Nhật Bản nhân giống thành công loài lươn đặc sản
Món cơm lươn trứ danh của Nhật Bản dường như đã có "lối thoát" khi nước này lần đầu nhân giống thành công nguyên liệu chế biến đặc sản.
Khác với lươn tại Việt Nam là một loài cá thuộc bộ lươn, sống ở nước ngọt, lợ, có tên khoa học là Monopterus Albus, lươn Nhật Bản (tên khoa học là Anguilla Japonica) thực chất là một loại cá thuộc bộ cá chình, tuy cũng có thể sống ở nước ngọt, lợ, nhưng phải sinh sản ở nước mặn (biển).
Chu trình sinh sản phức tạp khiến lươn Nhật Bản trên thị trường ẩm thực nước này dù có 99,9% nguồn gốc từ các trang trại nhưng quy trình sản xuất vẫn phải bắt đầu từ lươn con đánh bắt trong tự nhiên.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự sụt giảm lớn về sản lượng đánh bắt lươn non vì nhiều nguyên nhân đã khiến các đơn vị khai thác Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn đến những công nghệ cho phép nhân giống lươn từ trứng.
Trong bối cảnh đó, việc Trường Đại học Kindai (Osaka) thành công trong việc nuôi lươn Nhật Bản trọn vẹn một chu kỳ sinh sản có thể xem là bước đột phá quan trọng.
Trường đại học này sử dụng các phương pháp tương tự như của Cơ quan Nghiên cứu và Giáo dục Thủy sản Nhật Bản đề ra hồi năm 2010. Quy trình này bắt đầu từ việc lấy trứng ra khỏi một con lươn cái để thụ tinh nhân tạo, sau đó nuôi dưỡng những con non - được gọi là lươn thủy tinh vì sự trong suốt của chúng - đạt đến ngưỡng nhất định trước khi lặp lại quá trình để thiết lập một chu kỳ sinh sản hoàn chỉnh.
Dù vậy, những người tham gia dự án cho biết, đã phải vật lộn để duy trì được một số lượng lớn lươn non, do vẫn tồn tại nhiều bí ẩn khó hiểu xung quanh đặc tính sinh học của loài này.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển công nghệ nuôi lươn thủy tinh để tiến tới có thể sản xuất hàng loạt", Giáo sư Shukei Masuma thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tại Trường Đại học Kindai cho biết.
Trước dự án lươn Nhật Bản lần này, Trường Đại học Kindai từng thành công trong việc nuôi trọn chu kỳ cá ngừ vây xanh - một món đặc sản khác của đất nước Hoa anh đào.