Tọa đàm “Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024”
Tọa đàm do Báo Người lao động tổ chức, có gần 20 lượt ý kiến phát biểu sôi nổi, có giá trị lớn về mặt tư vấn chính sách đến các cơ quan nhà nước, nhằm đưa ra giải pháp cho 2 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Đó là thông tin được nhà báo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động đưa ra cuối buổi tọa đàm “Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 3-11.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2023 tăng trưởng 4,23%, thấp nhất trong những năm bình thường.
“Theo tôi, Nhà nước vẫn tiếp tục phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cải thiện môi trường kinh doanh. Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liệt kê ra 5 - 10 vấn đề đang bức xúc nhất, cản trở nhất với người dân và doanh nghiệp; giao cho đơn vị cụ thể, tạo áp lực để giám sát, cải thiện để thay đổi”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Để gỡ khó cho thị trường bất động sản, Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa - Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho hay, thời gian qua, Nhà nước đã triển khai khá đầy đủ các chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Vì vậy, để phát triển, nhìn ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, cần chấp nhận sự điều chỉnh của thị trường, cơ cấu lại phân khúc bất động sản nhà ở để phát triển bền vững.
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (Vitas) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng. Mặt khác, doanh nghiệp cần chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giúp giảm rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động.
Về giải pháp tài chính, theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh, ngành Ngân hàng đang hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua giải pháp cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để giảm bớt chi phí tài chính.
Hiện nay, khoảng 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn có lãi suất phổ biến dưới 9,75%/năm; số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53%/năm (chủ yếu là những khoản dư nợ vay trung dài hạn). Đây là kết quả định lượng cho thấy tác động trực tiếp, hiệu quả của cơ chế chính sách về lãi suất, tín dụng của Ngân hàng nhà nước và trách nhiệm chia sẻ từ các tổ chức tín dụng khi chủ động giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Tính riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, gần 35.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện vượt khó và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, thành phố sẽ chú trọng các nội dung về giá cả hàng hóa, lưu thông hàng hóa trên thị trường, lượng hàng bình ổn thị trường, nhất là phục vụ Tết 2024.
Sở Công Thương cũng đã làm việc với các đơn vị để bình ổn thị trường. Đồng thời, tập trung tổ chức các chương trình khuyến mại, thực hiện các chương trình kết nối cung cầu, trong đó, đặc biệt chú ý liên kết vùng, tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm bảo đảm chất lượng.
Buổi tọa đàm còn ghi nhận nhiều ý kiến, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, địa phương, doanh nghiệp khác trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển song song với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.