Ngăn lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp
Hiện chỉ 154 thủ tục hành chính quy định phải có phiếu lý lịch tư pháp, nhưng trong rất nhiều lĩnh vực khác vẫn yêu cầu người dân cung cấp. Theo Bộ Tư pháp, đây là sự lạm dụng.
Có hiện tượng lạm dụng
Luật Lý lịch tư pháp quy định, có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp, mỗi loại phục vụ mục đích khác nhau, cung cấp một số thông tin khác nhau.
Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp, tức là cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Luật này (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Quy định rõ vậy, nhưng thực tế, trong rất nhiều lĩnh vực vẫn có hiện tượng lạm dụng, đặc biệt là phiếu số 2.
Tại Hà Nội, thời điểm xảy ra hiện tượng này là tháng 4-2023, do học sinh, sinh viên nhập học, ra trường hoặc đi làm. Mặt khác, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp thu hút đội ngũ công nhân tham gia. Trong quá trình đó, có một số tổ chức, doanh nghiệp "rộ" việc yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp. Có thời điểm, không ít người phải đi từ 4-5h sáng đến Sở Tư pháp lấy số thứ tự, nhiều người tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ, trong đó nhiều người là tài xế công nghệ.
Qua kiểm tra, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới để chứng minh cá nhân trong sạch, dù người này vẫn làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Luật cũng không quy định về thời hạn giá trị của thủ tục tư pháp.
Về vấn đề trên, bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia khẳng định: Người chạy xe công nghệ cũng bị doanh nghiệp yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là sai. Đang có sự hiểu không chính xác, không đúng tinh thần của Khoản 3, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp.
Trước đó, tổ công tác cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu nghiên cứu, xử lý tình trạng lạm dụng cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngăn chặn việc lạm dụng việc cấp phiếu.
Sẽ thanh tra toàn diện công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại Hà Nội, UBND thành phố đã giao Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra công vụ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định. Đồng thời, Sở Tư pháp rà soát và tham mưu đề xuất giảm mức phí cấp phiếu lý lịch tư pháp để khuyến khích công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có giải pháp thực hiện việc khai thác, tra cứu cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sau khi được phân quyền nhằm tăng tiện ích, giảm phiền hà.
Là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp Hà Nội đã bố trí thêm cán bộ hỗ trợ, tăng số người tiếp nhận; điều chỉnh thời gian tiếp nhận hồ sơ dài hơn so với quy định… Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính thực sự mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực của nhân dân. Tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đã tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính 9 tháng năm 2023 là 26.462 hồ sơ. Hồ sơ công dân chuyển kết quả về nhà qua dịch vụ bưu chính là 24.500 hồ sơ.
Về phía Bộ Tư pháp, theo bà Đỗ Thị Thúy Lan, cơ quan này xác định phải đẩy mạnh tuyên truyền để nhận thức đúng, kết hợp với xử phạt, tránh tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị đòi hỏi phiếu lý lịch tư pháp.
"Khó nhất hiện nay là chấn chỉnh các doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp, nhưng hiện trong Nghị định 82 về xử phạt vi phạm hành chính không có chế tài xử phạt điều này. Vì thế cần nghiên cứu bổ sung chế tài đủ mạnh xử lý các doanh nghiệp lạm dụng việc yêu cầu người dân xuất trình phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định", bà Lan thông tin.
Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp sẽ thanh tra toàn diện công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng nghị quyết về phân cấp cho các phòng tư pháp cấp huyện ở Hà Nội và Nghệ An cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia rà soát lại các thủ tục hành chính có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để đề xuất cắt giảm (hiện Bộ Tư pháp có 36 thủ tục, có một số thủ tục cần cắt giảm và Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng vấn đề này).
Cùng với đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tập trung cải tiến thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp thuận lợi hơn, ngăn chặn tình trạng lạm dụng cấp phiếu.
Việc đầu tiên là nghiên cứu, áp dụng việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ phân cấp, phân quyền cho 63 sở tư pháp địa phương vào trực tiếp cơ sở dữ liệu của mình để tra cứu, cấp phiếu trực tuyến. Sau khi thí điểm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Tư pháp sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nhân rộng trên cả nước.