Loại trừ nhiều quyền để tránh gây thất thoát nguồn lực đất đai
Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Sáng 3-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó nhiều ý kiến bàn về quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, tại Điều 34 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về nội dung này, tại báo cáo giải trình trước phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu các ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã loại trừ quyền của đơn vị sự nghiệp công lập như không được bán, không được thế chấp và các hoạt động hợp tác kinh doanh không kéo dài để bảo đảm quỹ đất của Nhà nước.
Đối với tài sản gắn liền với đất, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Phương án 2: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và đây cũng là phương án được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn .
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, phương án này phát huy được hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm an toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời tránh được những rủi ro gây thất thoát nguồn lực đất đai của Nhà nước hay những điều kiện thực tế về thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cũng cho rằng, quy định như phương án 1 là phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 54 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, việc loại trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất của đơn vị sự nghiệp trả tiền thuê đất hằng năm sẽ bảo toàn được đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Cũng theo đại biểu, về mặt tiếp cận đất đai, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có điều kiện tiếp cận đất đai thuận lợi hơn so với các tổ chức kinh tế, nếu cùng có quyền như nhau thì sẽ gây khó khăn, thiếu bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức kinh tế khác.
Góp ý kiến về các trường hợp thu tiền thuê đất một lần và hằng năm, quy định tại Khoản 2 Điều 121 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nêu tại Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 121 dự thảo đang tiếp cận theo hướng quy định theo loại đất trả tiền hằng năm một lần chứ chưa tiếp cận theo tính chất và mục đích sử dụng đất thực tế tại các địa phương sẽ có phát sinh. Trường hợp cần huy động nguồn thu nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư công thì có thể quyết định thu tiền sử dụng đất một lần.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư có nhu cầu được trả tiền thuê đất một lần để ổn định trong đầu tư, khai thác sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc thu hút các nhà đầu tư. Vì nếu nộp tiền thuê đất một lần thì các nhà đầu tư mới có cơ sở để huy động các nguồn lực và đầu tư cho các dự án.
Mặt khác, Khoản 2, Điều 121 của dự thảo quy định về các trường hợp nộp tiền sử dụng đất một lần là các trường hợp đầu tư ít sinh lợi trong thu hồi vốn như đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, nhà lưu trú công nhân... là chưa hợp lý và khó khăn cho nông dân và nhà đầu tư.
Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước theo các tiêu chí cụ thể và giao quyền quyết định thu tiền đất một lần cho HĐND cấp tỉnh nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt, kịp thời trong giải quyết các trường hợp cụ thể, đặc biệt đối với các dự án thu hút đầu tư.