Củng cố ''chuỗi an sinh''
Đời sống - Ngày đăng : 07:12, 04/01/2023
Năm 2022, số người được bảo vệ bởi lưới an sinh duy trì đà tăng, trong đó bảo hiểm xã hội tăng khoảng 1 triệu người tham gia, nhưng chưa thực sự bền vững. Số người bị ảnh hưởng về việc làm, hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp lên tới hơn 977.000 người. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, không ít người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp chưa trở lại thị trường lao động để tiếp tục ghi tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa họ không có giá đỡ an sinh quan trọng.
Anh Nguyễn Văn Đạt, trú tại tổ dân phố Thành Công, phường Dương Nội (quận Hà Đông) chia sẻ: “Sau khi bị mất việc làm tại một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, từ tháng 6-2022 đến nay, tôi đi làm phụ hồ. Mặc dù được các cơ quan chức năng tư vấn tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện để tuổi già có lương hưu, nhưng công việc mới chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định, nên tôi chưa có điều kiện tham gia”.
Mục tiêu phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt kết quả bền vững, thể hiện rõ hơn khi số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng. Riêng năm 2022, các cơ quan chức năng đã giải quyết cho hơn 895.000 người hưởng, tăng khoảng 35.000 người so với năm 2021. “Thêm một người lao động không có tên trên hệ thống an sinh lúc còn trẻ, là thêm mối lo cho chính họ lúc tuổi già, nhất là những lúc bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị hoặc không có người thân chăm sóc, phụng dưỡng. Đi liền với đó là chuỗi an sinh có nguy cơ thiếu sự gắn kết chặt chẽ để có thể bảo vệ, tạo điểm tựa vững chắc cho đại đa số người dân”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia về an sinh xã hội Bùi Sỹ Lợi trăn trở.
Điều đáng quan tâm, việc duy trì, phát triển bền vững số người tham gia bảo hiểm xã hội phụ thuộc không nhỏ vào sự ổn định, phát triển của thị trường lao động và ngược lại. Theo Công ty Cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong quý IV-2022 giảm tới 25%, riêng tháng 12 giảm 42% so với cùng kỳ những năm chưa có dịch Covid-19 (năm 2019 trở về trước). Nhu cầu tuyển dụng lao động giảm vào thời điểm cận Tết hiếm khi xảy ra trong những năm trước đó, dẫn đến một số người lao động vì thiếu việc, mất việc làm mà đứng trước nguy cơ tạm dừng tham gia bảo hiểm xã hội.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời duy trì đà tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, tạo đà cho chuỗi an sinh vận hành thông suốt, các cơ quan chức năng đã, đang phối hợp triển khai nhiều giải pháp. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giúp người lao động bị ảnh hưởng về việc làm sớm trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Còn cơ quan Bảo hiểm xã hội chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, để mỗi người thấy rõ hơn tính ưu việt của chính sách mà chủ động, nỗ lực để có thể ở lại hệ thống lâu dài.
Đối với những người chưa có tên trên hệ thống, các bên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, tham gia chính sách bằng cách mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của 25.000 điểm, gồm 58.000 nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoạt động thông suốt từ trung ương đến cấp cơ sở. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm mức đóng cho lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Từ ngày 23-11-2022 đến nay, thông qua “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022” đã có hơn 16.000 sổ bảo hiểm xã hội, hơn 120.000 thẻ bảo hiểm y tế được trao tặng cho người nghèo. “Đây là món quà an sinh ấm áp, giàu tính nhân văn, chia sẻ của những tấm lòng hảo tâm đối với người gặp khó; đồng thời, góp phần củng cố lưới an sinh thêm vững chắc, không để ai bị bỏ lại ở phía sau”, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.