Xã hội

Học viên cai nghiện ma túy hãy tận dụng tối đa cơ hội học nghề, có việc làm

Hà Hiền 02/11/2023 - 14:00

“Học viên hãy tận dụng tối đa hiệu quả, cơ hội cai nghiện, học nghề, thành nghề, có việc làm, thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình. Làm được điều này, những nỗi đau, những giọt nước mắt cơ cực của người thân sẽ thôi rơi…”.

Đó là lời nhắn nhủ của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm (Ban Chỉ đạo 89) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đến hơn 400 học viên tham gia buổi tọa đàm, trao đổi về công tác dạy nghề, việc làm cho học viên cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy và vay vốn tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú với chủ đề “Đường về”.

pct-son.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại tọa đàm “Đường về”.

Chương trình do Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội tổ chức, diễn ra ngày 2-11, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn). Đến dự có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cùng đại diện các cơ quan chức năng.

Các ý kiến phát biểu, trao đổi tại tọa đàm thống nhất đánh giá, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, trợ giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho nhóm đối tượng đặc thù này hiện gặp không ít khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là nhiều “người trong cuộc” chưa có đủ bản lĩnh, ý chí, quyết tâm từ bỏ ma túy, tập trung học nghề, tiếp cận với các cơ hội việc làm để hòa nhập xã hội. Cộng đồng còn những rào cản tâm lý, có những người chưa đặt niềm tin vào sự nỗ lực tìm lại chính mình của học viên cai nghiện ma túy cũng như người hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện trở về. Hơn nữa, nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy có chỗ, có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng và gia đình… Vì nhiều lý do, con đường trở về của những người sau cai nghiện ma túy còn đó những gập ghềnh, gian khó.

Mở đường cho những người sau cai nghiện ma túy trở về, những năm qua, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn đồng hành với họ về nhiều mặt. Đáng chú ý, công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên được tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội triển khai. Các nghề đào tạo khá đa dạng, phù hợp với thể trạng sức khỏe và năng lực của học viên.

Ngoài cộng đồng, các lực lượng chức năng quan tâm trợ giúp sinh kế cho họ bằng nhiều cách như tạo điều kiện cho họ vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm; kết nối, giới thiệu cho người sau cai nghiện ma túy vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phương tiện, mặt bằng giúp các đối tượng hòa nhập thuận lợi hơn.

giao-luu.jpg
Hai tấm gương cai nghiện thành công chia sẻ kinh nghiệm từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập xã hội bằng những công việc hữu ích.

Nhận được sự quan tâm, trợ giúp từ nhiều phía, một số trường hợp đã từ bỏ ma túy nhiều năm, hòa nhập xã hội tốt, lấy lại niềm tin yêu của những người xung quanh. Có thể kể đến trường hợp Đội trưởng Đội công tác xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) Ngô Hữu Mười hay hội viên Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) Nguyễn Trường Giang. Từ trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân, chia sẻ tại buổi tọa đàm, hai tấm gương cai nghiện thành công cùng bày tỏ: “Con đường trở về luôn rộng mở, chỉ cần mỗi người hãy quyết tâm từ bỏ con đường từng lầm lỡ, hãy làm lại cuộc đời bằng sự tự tin của chính mình”.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhắn nhủ: “Tương lai, cuộc sống, đường về có tốt đẹp, có thành công hay không chính là phụ thuộc vào bản lĩnh, nỗ lực, cố gắng của chính bản thân các học viên. Mỗi người hãy tận dụng tối đa hiệu quả, cơ hội cai nghiện, học nghề, thành nghề, có việc làm, thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình. Làm được điều này, những nỗi đau, những giọt nước mắt cơ cực của người thân sẽ thôi rơi…”.

Cũng tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội chủ động tham mưu; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho học viên điều trị tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Ban Chỉ đạo 89 các quận, huyện, thị xã cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý người sau cai nghiện ma túy, bảo đảm 100% người sau cai nghiện ma túy trở về địa phương được quản lý, chăm sóc, hỗ trợ tại cộng đồng…

tang-qua(2).jpg
Đại diện các cơ sở thực hiện tốt công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên đón nhận phần quà ý nghĩa.

Nhân sự kiện ý nghĩa này, Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội tặng quà 7 cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố thực hiện tốt công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên; đồng thời biểu dương, tặng quà 14 học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội và Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội có kết quả tốt trong hoạt động rèn luyện và lao động trị liệu.