Nhiều cơ hội khai thác thị trường Halal Đông Nam Á
Ngày 31-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp Sở Công Thương và Lãnh sự quán các nước Indonesia, Malaysia, Singapore… tổ chức Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN.
Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn với hơn 2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực ASEAN.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn chuỗi cung ứng hàng hoá Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN.
Tham dự diễn đàn, ông Jason Yeo , Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã ký một biên bản hợp tác giữa Singapore và Việt Nam vào năm 2022 để giúp phân phối các sản phẩm thực phẩm Halal trên các thị trường tương ứng. Cùng với đó, chúng tôi còn tạo điều kiện kết nối kinh doanh và chuyển giao công nghệ thực phẩm cho Việt Nam. Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore để giúp thiết lập các cuộc đối thoại và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam”.
Bên cạnh đó, một số đại biểu dự diễn đàn cũng nêu ra một số điểm cần khắc phục để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào thị trường Halal.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (FFA), nhận định: Hiện chưa có cơ quan nhà nước hướng dẫn và cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và phát sinh chi phí lớn, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, hàng hóa tham gia thị trường Halal còn phải đạt các tiêu chuẩn từ vùng trồng cho đến nhà máy, như Global GAP, Organic, GMP, ISO, HACCP,… nên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp.