Không có bằng chứng về việc ăn cơm nguội gây ung thư
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, ăn cơm nguội có thể gây ung thư. Trước thông tin này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nào về việc ăn cơm nguội gây ung thư.
Bệnh ung thư không phải do một nguyên nhân gây ra mà tùy theo mỗi loại ung thư có những nguyên nhân riêng biệt. Có 3 nhóm tác nhân chính gây ung thư, gồm: Vật lý, hóa học và sinh học.
Về ăn uống, hóa chất, nấm mốc đã được chứng minh gây ung thư. Vi sinh vật không gây ung thư nhưng có thể gây ra độc tố, ngộ độc cấp. Do đó, cơm được nấu và bảo quản đúng cách thì có thể để ngoài môi trường nhiệt độ bình thường khoảng 24 tiếng sẽ không bị thiu. Tuy nhiên, quá thời gian trên, vi khuẩn, côn trùng xâm nhập làm biến chất, gây hiện tượng cơm thiu, chua và nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa. Tốt nhất nên nấu lượng vừa đủ bữa ăn, tránh để cơm lại bữa sau.
Còn nếu cơm thừa lại nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ được lâu hơn nhưng cũng không nên dự trữ quá lâu. Khi tiết kiệm sử dụng lại cũng nên chỉ dùng trong vòng 24 tiếng là tốt nhất, vì để lâu cơm không bị ôi thiu cũng sẽ mất hết chất dinh dưỡng. Cơm khi có dấu hiệu hỏng thường có mùi thiu, màu sắc thay đổi thì nên bỏ đi để tránh nguy cơ ngộ độc.