Ehon - kết nối trẻ em với sách
Cùng với truyện tranh manga, sách Ehon là một trong những “thực phẩm tâm hồn” được độc giả nhỏ tuổi yêu thích. Tại Việt Nam, Ehon được xuất bản ngày càng nhiều, phong phú về đề tài và đa dạng trong hình thức.
Làm thế nào để xây dựng thói quen và niềm đam mê đọc sách - đó là câu hỏi đã nhiều lần được đặt ra. Với 100 đầu sách được trưng bày trong “Tuần sách kết nối - Ehon week” vừa diễn ra tại Hà Nội, câu hỏi này đã phần nào được trả lời. Đầu tiên, việc đọc sách của trẻ cần phải được thực hiện từ sớm.
Nhiều bậc phụ huynh lầm tưởng rằng Ehon chỉ dành cho trẻ chưa biết đọc. Trên thực tế, trong tiếng Nhật, Ehon được ghép từ chữ “tranh vẽ” (e) và chữ “sách” (hon), để chỉ những truyện ngắn có tranh minh họa sinh động dành cho trẻ từ 0 - 10 tuổi. Ehon được coi là "thực phẩm nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ", mở ra thế giới mới mẻ và thú vị, không thể thiếu trong các giai đoạn phát triển đầu đời của trẻ.
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của trẻ mà các tác phẩm Ehon có lượng chữ dài ngắn khác nhau và đề tài truyện phù hợp. Với trẻ ở tuổi mầm non, nội dung có thể chỉ là nếp ăn ngủ thường nhật, các loài động thực vật hay các bộ phận trên cơ thể con người, như có thể thấy qua các tác phẩm “Bạn voi”, “Chim cánh cụt tập thể dục”, “Chuối vàng óng”, “Để con được khóc”, “Chơi trốn tìm”, “Bí ngô không ngủ được”, “Cửa hàng bánh mì quạ”... Từng trang sách góp phần dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ, biết tự lập và có thói quen tích cực.
Ở lứa tuổi lớn hơn, Ehon không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc và sức tưởng tượng, mà còn làm phong phú vốn từ cho trẻ, lồng ghép kiến thức khoa học, lý giải các hiện tượng thời tiết... trong mỗi câu chuyện. Sách loại này có “Đi dã ngoại ngày mưa”, “Những người bạn trên cơ thể”, “Ngày mẹ làm mẹ”, “Ngày bố làm bố”...
Để kết nối trẻ em với sách thông qua Ehon, sự cùng đọc hoặc hướng dẫn đọc của người lớn là rất quan trọng. Theo bà Kamitani Naoko, Trưởng ban Văn hóa và Báo chí của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: “Quá trình trò chuyện giữa bố mẹ và các con khi cùng đọc Ehon khơi gợi sự sáng tạo, tình cảm gắn kết và tạo ra những cảm xúc tuyệt vời”. Đối với trẻ nhỏ, giọng đọc của bố mẹ mình luôn có sức hấp dẫn riêng, vì thế, một cuốn sách có lượng chữ ngắn ngủi về đề tài quen thuộc có thể mở ra cả một thế giới kích thích trẻ khám phá nếu các bậc phụ huynh tương tác cùng con, đặt câu hỏi để khơi gợi sự tò mò và ham hiểu biết của trẻ, khuyến khích trẻ tự tin trả lời dù đáp án ấy là sai hay đúng.
Tại “Tuần sách kết nối - Ehon week”, Quỹ Bắc Cầu - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì trẻ em Việt Nam thông qua các dự án về sách - hướng dẫn các bước đọc sách cho trẻ từ 0 - 8 tuổi. Theo đó, ở bước chuẩn bị, phụ huynh chọn sách và đọc trước nội dung, quan sát hình ảnh để xác định tình huống trong truyện, từ đó quyết định sẽ đặt câu hỏi hay chọn các hoạt động theo đề tài cuốn sách.
Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, không phải cuốn sách nào trẻ cũng đều yêu thích và có phản ứng giống nhau. Việc chọn lựa sách phù hợp với từng độ tuổi cũng giống như thực đơn đồ ăn theo từng giai đoạn. Trẻ nầm non sẽ thích việc quan sát về màu sắc, hình khối đơn giản. Trẻ lớn hơn thì đọc loại có hình ảnh chi tiết và nội dung phức tạp hơn.
Ở bước khởi động, cần ổn định chỗ ngồi, có thể có bài thể dục hay hoạt động khởi động 5 phút để sau đó vào bước đọc sách. Chỉ cần 10 - 15 phút mỗi ngày để đọc sách cùng con, các bậc phụ huynh nên đọc đầy đủ tên truyện, tên tác giả, người dịch. Vừa đọc vừa dừng xem tranh và đặt các câu hỏi để trẻ quan sát, liên hệ thực tế con từng trải qua, hay hướng dẫn trẻ tưởng tượng nội dung câu chuyện tiếp theo như thế nào. Sau khi đọc xong, có thể tiếp tục “ôn bài” với câu hỏi về thông tin chung trong truyện theo mẫu “Ai? Tại sao? Khi nào? Ở đâu? Thế nào?” và cùng trẻ mô phỏng lại một số hành động hay âm thanh thú vị xuất hiện trong sách. Nếu có thời gian, có thể tiến hành đọc mở rộng với các trò chơi, gấp giấy, tô màu, thủ công sáng tạo...
Tranh truyện Ehon ngày càng có vị trí đáng kể trên thị trường xuất bản Việt với sự tham gia của nhiều đơn vị làm sách như NXB Kim Đồng, Thái Hà Books, Nhã Nam, Quảng Văn, Đinh Tị... và đặc biệt là sự đồng hành của Quỹ Bắc Cầu qua dự án “Mọt sách Mogu”. Những trang sách hay sẽ giúp trẻ phát triển nhân cách, tài năng, trí tuệ và thể chất, từ đó, trẻ biết tôn trọng bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị của bản thân, tôn trọng những giá trị quốc gia, tôn trọng nền văn minh khác với nền văn minh đất nước mình.
Giáo sư Tsuboi Yoshiharu, người đã có nhiều năm nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam cho biết: “Truyện tranh Ehon đã thành một trong những chủ đề hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi muốn nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của trẻ em Việt Nam”.