Ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ: “Người trong cuộc" cần tích cực vào cuộc
Tình trạng hàng hóa giả mạo các sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu dùng.
Để đẩy lùi vấn nạn này, bên cạnh việc xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của chính doanh nghiệp - những “người trong cuộc" làm ra các sản phẩm tiêu dùng.
Hô biến” hàng giả thành hàng được bảo hộ
Ngày 3-10, kiểm tra cơ sở kinh doanh giày dép tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện 4.050 đôi giày, dép các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike, NY… đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Trước đó, vào các ngày 22-9 và 29-9, Đội Quản lý thị trường số 3 và Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và phát hiện tại điểm kinh doanh trái cây trên phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy và phố Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình có hàng chục kilôgam lê có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu lê Hàn Quốc. Các cơ sở này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Thời gian qua, nhiều loại hàng hóa trên thị trường bị xâm phạm nhãn hiệu, phổ biến như sữa bột, phụ tùng ô tô, xe máy, giấy ăn... đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Là chủ sở hữu thương hiệu giấy Corona, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại giấy Gia Nguyễn Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Giấy Corona được làm giả rất tinh vi từ bao bì, thương hiệu đến mã QR, chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt hàng thật, hàng giả”.
Còn theo Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Công ty Honda Việt Nam) Bùi Văn Định, sản phẩm phụ tùng xe máy bị làm giả thường là các bộ phận bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích, má phanh cơ, đĩa, khóa điện... Những mặt hàng giả này được đối tượng trà trộn vào các cửa hàng, tiệm sửa xe máy. Honda Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng thu giữ được hàng trăm nghìn sản phẩm hàng giả mỗi năm.
Tình trạng “hô biến” hàng không có nguồn gốc, xuất xứ thành sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị xâm phạm dưới các hình thức như: Sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, làm tổn hại kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Trong 9 tháng của năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 9.000 vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt hành chính và thu về cho Nhà nước gần 4 triệu USD.
Doanh nghiệp cần chung tay
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt được một số kết quả nhất định song vẫn còn khó khăn, phức tạp, nhất là dịp cuối năm. Để nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến với hàng giả, ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trước tiên các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được sản phẩm chính hãng.
Các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên thực hiện khảo sát thị trường trực tuyến và trực tiếp; sử dụng mã QR và bộ tem chống giả do Bộ Công an cung cấp. Song song đó, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chặn tài khoản bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; chủ động cung cấp thông tin tới các cơ quan liên quan để phát hiện, ngăn chặn những cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Cùng với đó, các giải pháp tuyên truyền cách nhận diện hàng giả cũng đóng vai trò quan trọng trong phòng chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Mới đây, sự kiện mở cửa phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” (từ ngày 11 đến 17-10 tại số 62 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức đã thu hút rất đông người dân, doanh nghiệp tham quan. Tại đây đã giới thiệu trên 500 sản phẩm thật và giả thuộc các lĩnh vực hóa - mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; hàng tiêu dùng, sữa, nông sản... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.