Chủ động để thích ứng với Già hóa dân số:Xu hướng được đón nhận trên toàn cầu
Trong một báo cáo được công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Để thích ứng với xu hướng này, “già hóa tích cực” đang trở thành một lối sống được đón nhận tại nhiều quốc gia, người cao tuổi (NCT) chủ động hơn trong cuộc sống và có đóng góp hữu ích đối với xã hội.
Chủ động để thích ứng
Theo một khảo sát gần đây, trong số 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, có tới 90% NCT ở Đức, Pháp, Phần Lan và Anh sống độc lập mà không sống cùng con cái. Ở Hàn Quốc, quá trình đô thị hóa khiến mô hình gia đình truyền thống dần mai một. Con cái sống độc lập nhiều hơn khiến tỷ lệ NCT sống cùng nhau hoặc sống neo đơn gia tăng.
Cụ thể, theo Cục Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ người già sống neo đơn đã tăng từ 8,9% (năm 1990) lên tới 19,4% (năm 2018). Điều đó có nghĩa khoảng 1/5 số người già ở Hàn Quốc sống neo đơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc sống neo đơn của NCT Hàn Quốc là do tình trạng “ly hôn ở tuổi xế chiều” của NCT, do phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn với nam giới, họ được pháp luật bảo vệ, được phân chia tài sản sau ly hôn và họ có thể kiếm được việc làm.
Ngoài ra, ở các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh như Hàn Quốc, hệ thống lương hưu và phúc lợi xã hội chưa theo kịp với sự gia tăng của dân số già và chỉ đảm bảo ở mức thấp. Vì thế, nhiều NCT ở Hàn Quốc sau khi nghỉ hưu vẫn phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Theo Báo cáo Người cao tuổi năm 2019 của Cục Thống kê Hàn Quốc, 64,9% NCT tìm kiếm việc làm là do nhu cầu về phí sinh hoạt - cao gần gấp đôi so với lý do tìm kiếm niềm vui trong công việc (32,8%).
Tương tự, tỷ lệ NCT ở Trung Quốc tham gia vào lực lượng lao động khá cao, dù có giảm dần theo độ tuổi và có sự khác biệt đáng kể về giới tính. 34,2% nam giới trong nhóm 70 - 74 tuổi vẫn đang tiếp tục làm việc, thấp hơn chút ít so với Hàn Quốc nhưng cao hơn đáng kể so với mức trung bình của châu Âu (8,2%). Cũng giống như ở Việt Nam, thời gian nam giới tham gia thị trường lao động lâu hơn so với phụ nữ, nên độ tuổi làm việc của họ kéo dài hơn. Trong khi đó, mức lương của người lao động thấp, đặc biệt là tỷ lệ lớn NCT sống ở nông thôn phần lớn không có lương hưu, đã góp phần thúc đẩy NCT tiếp tục kéo dài thời gian tham gia thị trường lao động.
Đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội
Tham gia các hoạt động xã hội là một trong những nội dung được dùng để đánh giá quá trình già hóa tích cực. Hiểu theo nghĩa rộng, tham gia xã hội là sự liên đới của một người vào những hoạt động tương tác với những người khác trong xã hội hoặc trong cộng đồng. Chỉ số già hóa tích cực đo lường việc tham gia xã hội của NCT bằng tỷ lệ phần trăm dân số già từ 55 tuổi trở lên làm tình nguyện không lương và tham gia các hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như giúp đỡ người khác, tham gia các sự kiện xã hội, thể thao, tham gia các tổ chức cộng đồng, và làm công việc từ thiện, tình nguyện...
Chăm sóc con cháu, chăm sóc người thân cao tuổi và người thân khuyết tật cũng được xác định là một trong những chỉ báo tham gia xã hội, được đo lường thông qua tỷ lệ NCT giúp đỡ con cháu làm việc nhà, chăm sóc cháu hoặc chăm sóc bố mẹ/bố mẹ chồng và chăm sóc người lớn ốm yếu, khuyết tật...
Ở Nhật Bản, dữ liệu thống kê hằng năm từ Văn phòng Nội các cho thấy, sự thu hẹp dần không gian hoạt động và mạng lưới xã hội của NCT khi bước vào giai đoạn tuổi già. Họ giới hạn phạm vi tham gia các hoạt động tình nguyện phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú, tham gia xã hội tích cực hơn ở nhóm sơ lão và giảm dần ở nhóm đại lão.
Số liệu từ các cuộc khảo sát quốc gia gần đây ở Trung Quốc cho thấy, chỉ số tham gia xã hội của NCT là 18,3, cao hơn mức trung bình của EU (17,7) và Hàn Quốc (4,0). Số liệu về tham gia hoạt động tình nguyện cho biết có 10,5% phụ nữ cao tuổi, so với 9% ở nam giới cao tuổi, tham gia các hoạt động tình nguyện, xếp hạng trung bình về tỷ lệ tham gia tình nguyện so với các nước châu Âu.
Đối với việc chăm sóc các thành viên gia đình, có khoảng 32,9% người Trung Quốc từ 55 tuổi trở lên (35,4% phụ nữ so với 30,3% nam giới) chăm sóc con cháu, gần 13,4% chăm sóc cha mẹ. Đáng chú ý là tỷ lệ chăm sóc cháu nội, cũng như chăm sóc ông bà khá phổ biến, do truyền thống định cư đằng nội, đồng thời là do hệ thống chăm sóc sức khỏe còn chưa phát triển mạnh ở quốc gia này...
Có thể nói, già hóa dân số đang tạo nên những thách thức không nhỏ cho chính phủ các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp cùng việc thay đổi cách nghĩ, lối sống từ chính NCT thì những khó khăn này sẽ được giải quyết. Thậm chí cá nhân NCT, gia đình họ và cả xã hội sẽ tận dụng được những lợi ích mà già hóa dân số mang lại.