Đời sống

Chủ động để thích ứng với Già hóa dân số:Xem già hóa như một lợi thế hơn là hạn chế

Hà An 28/10/2023 - 18:38

“Tốc độ già hóa cao nhất trong khu vực”, “chưa giàu đã già”... là thực tế của quá trình già hóa dân số hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên, phương cách thích ứng với già hóa dân số đang được các nhà xã hội học đánh giá với những bước chuyển chủ động, tích cực.

Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương, Trưởng phòng An sinh xã hội và Công tác xã hội (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần về nội dung này, cũng như đề nghị cách tiếp cận mới, xem già hóa dân số như một lợi thế thay vì chỉ là hạn chế...

z4812384386188_453e94a35068.jpg

- Thưa Tiến sĩ Đặng Thị Việt Phương, chúng ta ai rồi cũng già đi, nhưng già đi như thế nào lại là chuyện khác. Khái niệm “già hóa tích cực” được hiểu thế nào?

- “Già hóa tích cực” là quá trình tối ưu hóa các cơ hội về sức khỏe, sự tham gia và an sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống khi con người già đi. Khái niệm này lần đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới đề cập đến vào thập niên 1990 như một khung chính sách nhằm nhấn mạnh mối liên hệ giữa hoạt động, sức khỏe, sự độc lập và tuổi già khỏe mạnh. Từ “tích cực” là nói đến sự tham gia liên tục vào các hoạt động xã hội, kinh tế, văn hóa, tinh thần và dân sự, chứ không chỉ là khả năng hoạt động thể chất hay tham gia vào lực lượng lao động của người cao tuổi.

Ở Việt Nam, hai thập niên qua là lúc chúng ta chuyển rất nhanh từ dân số trẻ sang già hóa dân số. Giai đoạn này cũng đánh dấu bước ngoặt từ một thực tiễn mà người cao tuổi trở nên già đi mà chưa có sự chuẩn bị thỏa đáng cho tuổi già, sang giai đoạn mà nhóm dân số cao tuổi này học cách thích ứng với già hóa dân số. Nghiên cứu của Viện Xã hội học “Chuyển đổi từ già hóa thụ động đến già hóa tích cực của người cao tuổi Việt Nam” thực hiện khảo sát định tính lặp lại về địa bàn (trong đó có Hà Nội) sau hơn 20 năm qua là để tìm hiểu quá trình chuyển đổi thú vị này.

- Đó là hướng tiếp cận nhiều động lực và kỳ vọng để thích ứng với một xã hội ngày càng nhiều “ông bà” hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận diện thế nào về các điều kiện “già hóa tích cực” ở các khu vực khác nhau?

- Đúng vậy. Người cao tuổi không phải là một nhóm dân số đồng nhất, mà rất khác biệt. Về địa bàn cư trú chẳng hạn, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tình hình của người cao tuổi ở nông thôn và đô thị Hà Nội rất khác nhau. Mô hình gia đình nhiều thế hệ ở nông thôn ngoại thành Hà Nội vẫn được duy trì bởi mối ràng buộc giữa cha mẹ và con cái thông qua đất đai. Bằng việc chia đất cho con trai, cha mẹ xác định sống cùng con và đặt an sinh tuổi già của mình vào tay con. Con cái nhận phần thừa kế, cũng nhận luôn cả trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Nhưng di động dân cư ở Hà Nội ngày càng lớn, quỹ đất đai ngày càng hạn chế... sẽ khiến cho không chỉ ở xã ngoại thành này, mà người già nông thôn nói chung rơi vào tình thế nhiều rủi ro trong chừng một thập niên tới.

Trong khi đó, khảo sát ở một phường của quận Hoàn Kiếm cho thấy cũng chính đất đai lại là lý do khiến các cụ muốn tách hộ. Điều kiện nhà ở đô thị chật chội, có những hộ gia đình bốn thế hệ sống chung trong một mặt bằng diện tích chưa đầy 40m2. Trong điều kiện như thế, người cao tuổi muốn sống cùng con cũng khó.

- Những xu hướng của quá trình chuyển sang già tích cực là gì?

- Nhìn rộng ra cả hai thập niên qua thì xu hướng cha mẹ già sống riêng cùng nhau nhìn chung là phổ biến hơn. Số cặp vợ chồng già sống riêng hiện đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Các cụ cho rằng, sống riêng là cách họ tôn trọng độc lập của con cái và để khẳng định sự độc lập của bản thân mình. Đương nhiên, số này chủ yếu rơi vào nhóm các cụ có khả năng độc lập kinh tế, có lương hưu hoặc có tích lũy dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều cụ còn tham gia hội nhóm, đi du lịch, giải trí...

Đó là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy các cụ chủ động sắp xếp cho tuổi già của mình. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của câu chuyện già chủ động. Bởi lẽ, những niềm vui của người cao tuổi vẫn chịu sự phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, chứ không phải từ bên trong, từ những nhu cầu nội tại của họ. Nhu cầu và sự đầu tư cho học tập suốt đời như một tiêu chí sống khỏe mạnh, tích cực, hữu ích chưa phải là lựa chọn của đa số. Một xã hội chưa coi việc nâng cao nhận thức bản thân như một niềm vui tự thân, tất yếu thì chưa có được một nền tảng cho sự già đi một cách tích cực, như một lợi thế thay vì là hạn chế.

Già hóa là một quá trình sinh học, nhưng cũng đồng thời là một quá trình xã hội. Ý thức xã hội, trách nhiệm xã hội của người cao tuổi hầu như mới dừng ở phạm vi nhóm nhỏ nội bộ hoặc một số hoạt động quen thuộc như chăm lo không gian văn hóa, tôn giáo, làm từ thiện... Nhưng các cụ có thể làm nhiều hơn thế! Người cao tuổi ở nhiều nơi trên thế giới vẫn tiếp tục đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động hết sức phong phú, như hỗ trợ cho trẻ em đến trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, vận động chính sách... Những đóng góp ấy vừa đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu được ghi nhận và thể hiện bản thân - mức nhu cầu cao trong tháp nhu cầu của con người.

- Cũng phải nhắc tới các điều kiện an sinh xã hội khác để giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh, phát huy lợi thế của mình. Bà đánh giá như thế nào về sự cần thiết của mô hình dịch vụ trung tâm dưỡng lão?

- Thực tế, chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi những kỹ năng đặc thù mà gia đình không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, nền tảng mức sống của người cao tuổi rất thấp, có đến 2/3 số người già không có lương hưu, gần 1/3 không có tích lũy tài chính. Do đó, dịch vụ của trung tâm dưỡng lão không phải dành cho mọi đối tượng người cao tuổi. Chưa kể, yếu tố tâm lý truyền thống cũng phải tính đến vì đa phần cộng đồng vẫn coi việc vào nhà dưỡng lão là đường cùng.

Chúng ta rất cần mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm để cung cấp đa dạng các dịch vụ chăm sóc một tỷ lệ cao người dân đã, đang, sắp già đi. Cũng nên chia thành các cấp độ chăm sóc khác nhau tùy vào mức độ sức khỏe của người già như chăm sóc nội trú, bán trú, chăm sóc đặc biệt... Sàn an sinh xã hội, nhất là an sinh dành cho người cao tuổi - lực lượng đã đi qua giai đoạn đỉnh cao lao động đóng góp cho sự thịnh vượng chung, rất cần sự chia sẻ của nhiều thành phần kinh tế.

- Thưa Tiến sĩ, với những chuyển động đáng chú ý của già hóa tích cực như trên, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc hạn chế những rủi ro về tình trạng bấp bênh của già hóa dân số trong thập niên tới?

- Với một tỷ lệ người cao tuổi lao động phi chính thức chiếm trên 60% cả nước, tức là người cao tuổi không có bất kỳ hình thức bảo hiểm nào, khả năng tích lũy thấp, chúng ta đã nhìn ra tình trạng bấp bênh của việc không có sự chuẩn bị cho tuổi già. Tuy nhiên, với cách tiếp cận mới về già hóa như một lợi thế chứ không chỉ như một hạn chế, tôi tin nếu cùng nhau chia sẻ các giải pháp chăm sóc, phát huy nguồn lực người cao tuổi trên các mặt điều kiện sống, cơ hội lao động, đóng góp cho cộng đồng... thì chúng ta sẽ tránh được không ít rủi ro do từ sự thiếu chủ động thích ứng với già hóa dân số.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!