Mây, tre đan Vạn Phúc "đi Tây"
Những ngày này, đến thôn 3, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm của mây, tre, tiếng lách tách của nan tre. Làng quê nơi đây dường như không thay đổi với hình ảnh những bà, những chị thoăn thoắt đan mây tre bên hiên nhà... Sản phẩm làng nghề hiện diện khắp thị trường các tỉnh, thành phố và cả "đi Tây".
Phát huy nghề truyền thống
Trước đây, người dân thôn 3, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) chủ yếu làm nông nghiệp, rồi dần dà chuyển sang dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, mộc... Đặc biệt, trên địa bàn còn có nghề mây tre đan.
Qua thăng trầm, nghề mây tre đan của xã Vạn Phúc vẫn duy trì, phát triển, cung cấp sản phẩm cho khắp thị trường trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Thị Thành, nghề mây tre đan thôn 3 bắt đầu phát triển từ những năm 1990 do một số người trong thôn học từ các làng nghề lân cận như: Ninh Sở (huyện Thường Tín), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)… sau đó trở về vừa làm nghề, vừa truyền dạy.
Các hộ chủ yếu sản xuất đồ thủ công mây tre đơn giản phục vụ sinh hoạt thường ngày như: Rổ, rá, nong, nia, thúng, mẹt, bàn, ghế… Sau này, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm nghề ở thôn thay đổi mẫu mã, nâng cấp sản phẩm thành đồ mỹ nghệ (làn, giỏ...).
Theo bà Nguyễn Thị Lịch, ở thôn 3, nghề này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi chăm chỉ, nhẫn nại. Nếu chịu khó, một người có thể làm được 15-20 sản phẩm trong 5 ngày.
Hằng năm, đại diện làng nghề là Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Lịch và một số cơ sở sản xuất lớn của thôn tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Đây cũng là cơ hội để những người làm nghề liên kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, thiết lập kênh phân phối... Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề xuất khẩu mạnh sang Đài Loan theo đơn đặt hàng. Trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận, sản phẩm của làng nghề cũng tiêu thụ tốt.
Trưởng thôn 3 Lã Văn Dũng cho biết: Toàn thôn 1.811 hộ, 7.208 nhân khẩu, 3.200 người trong độ tuổi lao động thì có 435 hộ, 750 lao động làm nghề. Sản phẩm mây tre đan của địa phương ngày càng cải thiện về chất lượng, tinh xảo hơn, đa dạng về mẫu mã, chủng loại...
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nhạy bén, ngoài hình thức truyền thống, còn bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...
Mở hướng làng nghề - du lịch
Thời gian qua, huyện Thanh Trì đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, giúp người dân nâng cao tay nghề, kỹ thuật, tăng thu nhập.
Số hộ tham gia ngành mây tre đan tại thôn 3, xã Vạn Phúc, tăng từ 20% (năm 2021) lên 24% (năm 2023), tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Thu nhập bình quân/ người tăng đều qua các năm.
Người dân say nghề. Mây tre đan Vạn Phúc cứ thế, một cách bền bỉ, từng bước xâm nhập thị trường trong nước và đặc biệt là nhiều sản phẩm "đi Tây" khi được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản...
Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường cũng ngày càng được quan tâm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, hiện nay, làng nghề đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường tại Quyết định số 4657/QĐ-UBND ngày 25-9-2023 của UBND huyện Thanh Trì. Thôn 3, xã Vạn Phúc đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường với 8 thành viên, trong đó lực lượng phụ nữ, thanh niên là xung kích nên môi trường của thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp...
Để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, mới đây, Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với xã Vạn Phúc để xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023 đối với làng sản xuất mây tre đan thôn 3.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Đỗ Huy Bảo, làng sản xuất mây tre đan thôn 3 đã đạt tiêu chí đề ra nhưng huyện Thanh Trì cần tiếp tục hướng dẫn xã Vạn Phúc hoàn thiện hồ sơ để trình thành phố xem xét, công nhận. Huyện Thanh Trì và xã Vạn Phúc cũng cần quan tâm hơn đến phát triển điểm du lịch tại làng sản xuất mây tre đan; giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề nhằm tăng thu nhập người làm nghề và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương...