“Chìa khóa” cho vấn đề thiếu lao động ở Đức
Trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng, robot được đánh giá là giải pháp giúp nền kinh tế hàng đầu châu Âu ứng phó với tình trạng này.
Tình trạng thiếu lao động ở Đức khiến rất ít người sẵn sàng đảm nhận những công việc yêu cầu cao nhưng nguy hiểm. Để giải quyết vấn đề này, các công ty vừa và nhỏ đang chuyển dần sang tự động hóa, đặc biệt khi thế hệ “Baby Boomer”, tức những lao động sinh trong giai đoạn 1946-1964, đã chuẩn bị về hưu, khiến thị trường lao động Đức càng thêm khó khăn.
Dữ liệu chính thức cho thấy, Đức ghi nhận khoảng 1,7 triệu việc làm bị bỏ trống chỉ trong tháng 6. Sau thế hệ “Baby Boomer”, tỷ lệ sinh thấp cũng tác động đến nguồn lực lao động. Cơ quan Việc làm liên bang (FEA) dự kiến, số lượng lao động tại quốc gia này sẽ giảm 7 triệu người ở năm 2035. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết, hơn một nửa số công ty đang phải vật lộn để tìm kiếm nhân sự, ước tính gây thiệt hại gần 100 tỷ euro mỗi năm đối với tăng trưởng của quốc gia này.
Henning Schloeder, Giám đốc Điều hành công ty sản xuất linh kiện máy S&D Blech nhận định, tình trạng thiếu lao động sẽ làm trầm trọng thêm nguồn lao động tay nghề cao vốn đã khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và thủ công. Đây cũng là lý do công ty này thúc đẩy quá trình tự động hóa và số hóa trong nhiều năm vừa qua.
Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng tại công ty cung cấp dịch vụ nhân sự toàn cầu ADP cho biết, với những thay đổi đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế phát triển khác, tác động của các công nghệ tự động hóa tiên tiến như robot hay trí tuệ nhân tạo sẽ trở nên rõ rệt hơn.
Theo Reuters, sự đầu tư mạnh mẽ vào tự động hóa của các nhà sản xuất ô tô và những “gã khổng lồ” công nghiệp khác đã đưa Đức trở thành thị trường robot lớn thứ tư thế giới và hàng đầu châu Âu.
Với giá thành rẻ hơn và dễ vận hành hơn, các công ty gia đình vốn là trụ cột đối với nền kinh tế Đức cũng đang sử dụng robot. Theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR), khoảng 26.000 robot đã được lắp đặt ở Đức năm 2022.
Việc tăng cường tự động hóa cũng phản ánh thực tế rằng robot đã trở nên dễ sử dụng hơn mà không cần kỹ năng lập trình. Florian Andre, người đồng sáng lập SHERPA Robotics, một công ty khởi nghiệp tập trung vào các công ty có quy mô từ 20 đến 100 nhân viên, cho biết, hầu hết các robot hiện nay đều có màn hình cảm ứng tương tự điện thoại thông minh.
Ngay cả người lao động và các công đoàn từng lo sợ việc làm bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của robot cũng ngày càng có cái nhìn tích cực hơn. Một cuộc khảo sát thị trường robot được công bố vào tháng 6 cho thấy, gần một nửa số lao động Đức coi robot là phương án giải quyết tình trạng thiếu lao động hiện nay.