Y tế

Đội xung kích diệt bọ gậy chưa phát huy hiệu quả tối đa

Thu Trang 26/10/2023 - 20:38

Kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện cho thấy, chưa phát huy được hiệu quả tối đa của đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.

Chiều 26-10, Sở Y tế Hà Nội tổ chức giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận một số dịch bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 là: Sốt xuất huyết, liên cầu khuẩn lợn, thủy đậu, uốn ván người lớn. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết có số ca mắc tăng cao nhất.

Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến ngày 25-10, toàn thành phố ghi nhận 23.314 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.

ong-vu-cao-cuong-phat-bieu-tai-cuoc-hop.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại buổi giao ban.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (554 ca), xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (396 ca); thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (100 ca); xã Châu Can, huyện Phú Xuyên (97 ca)…

Cùng với sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, Hà Nội cũng ghi nhận 2.354 ca mắc tay chân miệng (tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa có ca tử vong; 23 ca uốn ván (tăng 2,3 lần) và có 2 ca tử vong; 15 ca liên cầu lợn (tăng 13 ca so với cùng kỳ năm ngoái), có 2 ca tử vong và 2.027 ca thủy đậu (tăng hơn 1.000 ca so với cùng kỳ năm ngoái).

Tại buổi giao ban, Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường.

Thêm vào đó, các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa của đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng.

Do đó, theo ông Bùi Văn Hào, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động.

can-bo-y-te-phuong-viet-hung.jpg
Cán bộ y tế phường Việt Hưng hướng dẫn người dân loại bỏ vật dụng chứa nước có bọ gậy.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, Trung tâm y tế các quận, huyện cần tiếp tục tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; tăng cường tập huấn về chuyên môn, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng. Đồng thời, các quận, huyện kiểm tra lại toàn bộ máy phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết, bảo đảm máy móc hoạt động hiệu quả.

Các ý kiến tại giao ban cũng cho rằng, mỗi gia đình cần tích cực tham gia diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; nằm màn khi ngủ. Nếu bị sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.