Kinh tế

Gia Lâm tập trung phát triển các cụm công nghiệp

Bài, ảnh: Ánh Dương, Quang Thái 26/10/2023 - 16:07

Thời gian qua, các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề tập trung trên địa bàn huyện Gia Lâm góp phần tích cực trong phát triển kinh tế chung toàn huyện; giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hộ làm nghề có mặt bằng, thuận tiện trong giao thương, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...

Cụm công nghiệp thu hút nguồn lực kinh tế

img_20231025_130654.jpg
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Gia Lâm được xác định là đô thị trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội, tập trung phát triển loại hình dịch vụ gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao…

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đến nay, hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời, nổi tiếng như: Gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; may da, quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc bắc, mứt sen Ninh Hiệp…

Theo quy hoạch phát triển CCN thành phố Hà Nội, địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 8 cụm công nghiệp, điển hình là: CCN Phú Thị (tại địa bàn các xã: Phú Thị, Dương Xá), tổng diện tích hơn 20,2ha, 30 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 1.447 lao động với các ngành nghề: Cơ khí, đồ nội thất, phụ tùng, dệt may, điện tử, điện lạnh, nhựa...

Hay như CCN Hapro Lệ Chi với 23 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, đóng gói thực phẩm và công nghiệp phụ trợ chế biến đóng gói thực phẩm, tạo việc làm ổn định cho 1.850 lao động...

img_20231026_115404.jpg
Khách chọn mua sản phẩm gốm Bát Tràng.

Còn tại CCN làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng) hiện có 129 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 700 lao động.

Anh Nguyễn Quý Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Quang Minh cho biết, đã làm nghề sản xuất gốm sứ phục vụ xây dựng, đồ gia dụng từ năm 2001. Miệt mài nghiên cứu, anh Sơn sáng tạo thêm mẫu mã mới phục vụ nhu cầu thị trường. Điển hình là các mảnh gốm nhỏ, được tạo hình thủ công từ đất, nhúng men và nung nấu bằng gas, dùng để ghép, tạo nên những bức tranh màu sắc sống động, hoặc dùng để trang trí các công trình xây dựng.

“Sau khi được vào cụm công nghiệp làng nghề Bát Tràng, gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị tổng trị giá 5 tỷ đồng. Xưởng tạo việc làm cho gần 80 lao động với thu nhập từ 6 triệu đến 30 triệu đồng/người/tháng; doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm”, anh Sơn chia sẻ thêm.

img_20231025_131744.jpg
Nghề quỳ vàng bạc xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

Trong khi đó, nghề dát vàng bạc quỳ là sự kết tinh sáng tạo của người dân Kiêu Kỵ qua nhiều thế hệ, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, kiên trì, tỉ mỉ, cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật chuẩn xác…

Theo Bí thư Đảng ủy xã Kiêu Kỵ Phùng Đắc Quản, từ năm 2016, địa phương có cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ, các hộ làm nghề của xã có cơ hội mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt hơn 74 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, năm 2021, nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục nghề quỳ vàng xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

img_20231025_130804.jpg
Cụm sản xuất làng nghề tập trung Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ) đi vào hoạt động từ năm 2016, có 53 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 300 lao động.

Tiếp tục phát triển cụm công nghiệp

Sự phát triển mạnh mẽ từ các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề tập trung và các làng nghề thủ công truyền thống của Gia Lâm không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động trong độ tuổi tại địa phương mà còn thu hút nhiều lao động từ các khu vực lân cận đến làm việc, sinh sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

20231016_101632.jpg
Các nghệ nhân, thợ làm gốm sứ Bát Tràng tích cực nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, năm 2022, Hội Doanh nghiệp huyện Gia Lâm được thành lập, đến nay có 90 doanh nghiệp thành viên, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các CCN trên địa bàn huyện.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp huyện Gia Lâm Mai Đức Chung, chia sẻ: Đẩy mạnh liên danh, liên kết phát triển kinh tế, trong hơn 1 năm hoạt động, Hội đã chủ động nắm bắt, tham mưu UBND huyện chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp; tham mưu ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Hội; tổ chức các đợt tham quan, khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp thành viên... Qua đó giúp các doanh nhân, doanh nghiệp tăng cường gắn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao kiến thức quản trị doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, cộng đồng doanh nghiệp huyện đã có đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng, sự phát triển của Gia Lâm nói riêng và Thủ đô nói chung. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hơn 26.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Trong 10 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế huyện ước đạt gần 18.000 tỷ đồng; huyện phấn đấu thu ngân sách đạt 4.100 tỷ đồng/năm, trong đó có đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm cũng cho biết thêm: Huyện đang tập trung triển khai các dự án CCN Đình Xuyên, CCN vừa và nhỏ Lâm Giang (xã Kiêu Kỵ); đề nghị bổ sung vị trí dự kiến phát triển CCN trên địa bàn huyện vào Quy hoạch CCN thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, trong đó đề xuất bổ sung quy hoạch 8 CCN tại các xã: Dương Quang, Phù Đổng, Lệ Chi, Kim Lan… tổng diện tích dự kiến 327ha.

“Việc đẩy mạnh phát triển các CCN trên địa bàn huyện sẽ đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, đơn vị, đặc biệt là đối với những làng nghề truyền thống có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiến tới di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, hướng tới thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và thành phố”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền nhấn mạnh.