Kỹ năng sống

Cách chọn rau, củ tươi ngon, an toàn

Lam Giang 26/10/2023 - 07:10

Lựa chọn rau, củ thế nào cho tươi ngon, an toàn là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Bên cạnh lưu ý tới các tiêu chí về độ tươi ngon, đúng mùa vụ…, người tiêu dùng cũng nên tránh các loại rau, củ có màu sắc quá khác lạ, bất thường về mùi vị, kích cỡ... để bảo đảm sức khỏe cũng như tiếp nhận dinh dưỡng an toàn...

rau-ngon.jpg
Người tiêu dùng chọn mua bắp cải tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam

Thị trường đa dạng, phong phú

Ông Tô Tiến Hợp, tiểu thương tại chợ Phú Gia, quận Tây Hồ hằng ngày chuyên chở 3 đến 4 tạ rau, củ từ xã Vân Nội, huyện Đông Anh tới chợ Phú Gia bán. Theo ông Hợp, 50% số rau, củ này có xuất xứ từ xã Vân Nội, vùng trồng rau lớn của thành phố Hà Nội, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác. “Hiện tôi đang bán khoảng 20 loại rau, củ của xã Vân Nội, trong đó mới nhất là su hào vụ thu đông vừa cho thu hoạch nên được nhiều bà nội trợ tìm mua”, ông Hợp thông tin.

Còn chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển đang cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn rau, củ mỗi ngày. Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển Bùi Văn Hậu cho biết, đây đều là các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, đáp ứng những phân khúc khách hàng bao gồm rau an toàn, rau đạt tiêu chuẩn VietGap hay rau hữu cơ... Hàng hóa đều được nhập về theo ngày để bảo đảm độ tươi ngon và chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, hệ thống BRGMart đang cung cấp khoảng 190 mã sản phẩm rau xanh, nông sản theo mùa tới người tiêu dùng. Giám đốc mua hàng của hệ thống BRGMart Nguyễn Thùy Dương cho biết, mỗi ngày hệ thống tiêu thụ khoảng 7-8 tấn/rau, quả, tương đương trên 200 tấn/tháng với nguồn cung trong nước và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Nhằm cung ứng lượng rau, củ an toàn, dồi dào tới người tiêu dùng, BRGMart yêu cầu các nhà cung cấp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy phép kinh doanh; các chứng chỉ, chứng nhận của cơ quan chức năng; bảo đảm sản lượng hàng hóa ổn định. Đặc biệt, hệ thống áp dụng các hình thức vận chuyển, bảo quản, trưng bày tiêu chuẩn để rau, quả đến tay người tiêu dùng đạt chất lượng tươi ngon, an toàn.

Với nguồn cung dồi dào, hệ thống phân phối đa dạng, người tiêu dùng có thể lựa chọn rau, củ từ nhiều nguồn như: Các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm - tiện ích hay các siêu thị lớn nhỏ. Thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mỗi tháng thành phố Hà Nội tiêu thụ khoảng 103.300 tấn rau, củ, trong đó trên 65% là rau, củ được sản xuất tại các huyện ngoại thành, tương đương 67.299 tấn, 35% lượng rau, củ còn lại được cung cấp từ bên ngoài thành phố.

Nhận diện rau, củ không an toàn

Hiện nay, người Việt ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và chú trọng xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau, quả, chất xơ từ thực vật. Đặc biệt, các xu thế “eat clean” (ăn sạch), ăn chay… ngày càng được chia sẻ rộng rãi, trong đó thực phẩm chính từ rau, củ, quả, vì vậy nhu cầu và sức mua cũng tăng cao. Ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thực phẩm hữu cơ, đặt niềm tin vào các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tuy nguồn cung rau, củ an toàn từ các nhà sản xuất và phân phối uy tín ngày càng tăng, song trên thị trường, lượng rau, củ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, rau an toàn, đặc biệt là rau VietGAP, được sản xuất theo các tiêu chuẩn cao. Cụ thể như trồng trên đất không bị ô nhiễm, không có tồn dư hóa chất độc hại; sử dụng nguồn nước tưới không bị ô nhiễm hoặc đã qua xử lý; chỉ dùng phân hữu cơ, trong đó tốt nhất là phân hữu cơ vi sinh. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất rau, quả an toàn chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học và không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau; có vùng rau củ được trồng trong nhà lưới, nhà kính để che chắn…

Ngoài ra, rau, củ trồng theo quy trình VietGAP, an toàn được thu hoạch đúng độ chín, đúng theo yêu cầu của từng loại. Đây là những tiêu chuẩn rất khắt khe không phải cơ sở sản xuất rau, quả nào cũng có thể đạt được khi hướng tới mô hình chất lượng cao. Do đó, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức nhất định để nhận diện sản phẩm an toàn.

Trước tiên người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở uy tín như các cửa hàng thực phẩm sạch hay siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn… Đây là nơi đã có sự liên kết cung cấp sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đồng thời chịu trách nhiệm với sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, theo đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn các loại rau, củ, quả theo mùa, có màu sắc tự nhiên, không bị héo úa, tươi nguyên và có màu đặc trưng của từng giống.

Cùng với đó, không nên chọn những loại rau, củ có màu khác lạ; không lựa chọn loại quả bất thường về mùi vị, màu sắc. Các loại rau, củ khi ngửi gần mà có mùi khác lạ thì người tiêu dùng không nên mua, bởi rất có thể loại rau, củ này đã để quá lâu hoặc sử dụng hóa chất giúp tươi ngon hơn.

Chị Lê Thị Bình, ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cho biết, rau, củ là thực phẩm sử dụng hằng ngày liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên chị rất cẩn trọng khi mua. Ngoài việc lựa chon rau, củ lành lặn, không dập nát, hoặc đổi màu, chị thường ưu tiên chọn mua các loại củ, quả như bầu, bí, su hào, su su, khoai sọ, khoai tây… để bớt nguy cơ mất an toàn do các loại củ, quả này đều phải gọt bỏ vỏ khi chế biến. Đây cũng là lời khuyên của các chuyên gia.

Ngoài ra, người tiêu dùng không nên tích trữ rau, quả dài ngày mà nên mua vừa đủ và tốt nhất là sử dụng trong ngày.