Phát triển nhà ở xã hội: Xây dựng chính sách linh hoạt và khả thi
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được chỉnh sửa, hoàn thiện nhiều chính sách quan trọng về nhà ở xã hội. Trong tương lai, loại hình nhà ở này sẽ được mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, thúc đẩy phát triển với nhiều cơ chế thông thoáng hơn. Song vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, linh hoạt chính sách nhưng phải tính đến sự thuận tiện, khả thi.
Công nhân vẫn khó chạm tay vào ước mơ
Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440.000 căn hộ. Đến nay, các địa phương trên cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 181 dự án, quy mô xây dựng khoảng 94.390 căn hộ, với tổng diện tích sàn nhà ở 4.815.000m2.
Khảo sát riêng ở Hà Nội, nơi có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 doanh nghiệp, với 80% là người ngoại tỉnh, dự án nhà ở xã hội của thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân, lao động. Trên 70% người lao động vẫn phải thuê nhà trọ. Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng, cộng thu nhập cả 2 vợ chồng cũng không thể nào mua được nhà ở xã hội giá 1-2 tỷ đồng. Khi xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có cơ chế đầu tư, quản lý, phân phối... nhiều phân khúc để người mua lựa chọn.
Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cầu 14 Nguyễn Trung Kiên nêu quan điểm: "Dự thảo luật cần quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục và việc xét duyệt đối tượng. Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải chặt chẽ, đúng, trúng đối tượng có nhu cầu thực sự; khắc phục tình trạng người có nhu cầu và đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại không được mua".
Cho rằng mức lãi suất cho vay đầu tư xây nhà ở xã hội hiện nay cao, thêm vào đó thủ tục rườm rà kéo dài thời gian hình thành một dự án dẫn đến chi phí sẽ bị đội lên, chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty TNHH Suncall Technology Việt Nam bày tỏ, nếu không có chính sách ưu đãi về vốn vay phù hợp thì chính sách nhà ở xã hội sẽ không đạt được mục đích của chế độ an sinh xã hội. "Nguồn vốn vay với chính sách nhà ở xã hội phải hình thành từ nguồn Quỹ Phát triển nhà ở xã hội hoặc từ ngân sách nhà nước, không thể xuất phát từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại như hiện nay", chị Trang nói thêm.
Cũng theo chị Trang, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo luật sửa đổi có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những vướng mắc về nhà ở xã hội. Cụ thể, công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Song quy định này còn chưa bao trùm, bỏ sót đối tượng công dân đến tuổi trưởng thành chưa có nhà ở hoặc không có khả năng tạo lập về nhà ở.
Nên đặt mức giá trần cho nhà ở xã hội
Mục tiêu quan trọng của việc xây dựng nhà ở xã hội là kéo mức giá nhà xuống mức thấp nhất có thể. Song theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Ba Đình Bùi Phương Chi, nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có giá bán lên đến gần 20.000.000 đồng/m2. Mức giá này quá cao so với người thu nhập thấp. Vậy nên cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội theo hằng năm.
Cùng quan điểm, luật gia Lê Quang Vững cho rằng, đã là nhà ở xã hội, giá bán phải do Nhà nước duyệt. Bởi doanh nghiệp đầu tư nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa. Ngoài ra, thời gian qua, quy định về điều kiện lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản. Đây là điểm nghẽn cần sửa đổi.
Thực tế cũng cho thấy, nhà ở xã hội đã ít lại có nơi thiết kế không phù hợp với nhu cầu của công nhân, lao động. Đơn cử, căn hộ chung cư, tập thể ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) bố trí nơi ở cho 20 công nhân nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, rất bất cập trong sinh hoạt.
Các chuyên gia nêu thêm, cũng cần tách bạch 2 cụm từ "sở hữu" và "nhu cầu". Nhu cầu thì ai cũng có nhưng sở hữu thì không, bởi nhiều người lao động công việc bấp bênh không ở cố định một chỗ. Vì vậy, trong việc hình thành các khu nhà ở công nhân trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung rất cần vai trò phối hợp của chính quyền địa phương với chủ đầu tư ở khu công nghiệp cũng như tổ chức công đoàn, từ khâu rà soát, phân loại nhu cầu của người lao động (thuê nhà, mua nhà) để có phương án thiết kế, xây dựng phù hợp...