Không giảm "dấu vết carbon", doanh nghiệp tự đánh mất cơ hội
Hàng hóa, dịch vụ phát sinh carbon thấp là xu thế không thể đảo ngược của thị trường thế giới hiện nay. Các doanh nghiệp không đầu tư chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo hướng này sẽ tự đánh mất cơ hội phát triển thị trường.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) đã chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25-10.
Cụ thể, trong bối cảnh toàn thế giới đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, giảm dấu vết carbon, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu buộc phải thích ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu. Việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi nguồn năng lượng phát thải khí nhà kính lớn sang năng lượng sạch chi phí cao song các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại, sản xuất hàng hóa vẫn để lại dấu vết carbon sẽ khó tiếp cận thị trường và đánh mất cơ hội phát triển.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông tin, Tập đoàn đã triển khai một số giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; đặc biệt đầu tư công nghệ thu hồi và lưu giữ CO2; đầu tư các hệ thống chuyển dịch năng lượng… Bước đầu, đã đem lại giá trị khả thi và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và tạo ra uy tín sản phẩm phân bón trên thị trường trong nước và quốc tế. Riêng trong năm 2022 giá trị từ tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu của Tập đoàn là hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng cho hay, quá trình này doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như các đơn vị thành viên Tập đoàn phải đầu tư nâng cấp công nghệ, một số doanh nghiệp phải đầu tư mới hoàn toàn. “Việc này là rất khó trong giai đoạn hiện nay, nhất là về vốn, công nghệ và khó cả về con người vận hành công nghệ”, ông Đạt nêu.
Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các cam kết quốc tế như: Giảm phát thải ròng bằng 0, giảm phát thải metan toàn cầu hay cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới… đều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Tâm cho biết, năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp thực hành tốt những quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính, tính toán được "dấu vết carbon" trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Bộ đã và đang triển khai một loạt nghiên cứu do các tổ chức quốc tế hỗ trợ để xây dựng những danh mục, các công nghệ phát thải carbon thấp giúp doanh nghiệp có được thông tin. Bộ cũng sẽ trình cấp có thẩm quyền những cơ chế chính sách, đồng hành để giúp doanh nghiệp sớm hội nhập vào tiến trình phát thải carbon thấp và tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư, phát triển.