Hội Nữ trí thức Thủ đô đồng hành, chia sẻ cùng đội ngũ giáo viên nữ
Sáng 25-10, tại Hà Nội, Hội Nữ trí thức Thủ đô tổ chức hội thảo: “Đổi mới giáo dục và vai trò của Hội Nữ trí thức Thủ đô”.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An nêu rõ, hiện nay, trong quá trình triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Do đó, đội ngũ nữ trí thức Thủ đô cần có sự quan tâm vào nhiệm vụ hết sức quan trọng này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong đổi mới giáo dục; đi sâu vào phân tích đổi mới giáo dục ở cấp phổ thông, đại học và đặc biệt là đổi mới giáo dục với trẻ khuyết tật...
Đáng lưu ý, Thạc sĩ Khúc Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường PTTH Ngọc Hồi nhận xét, đổi mới giáo dục đã giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động hơn trong hoạt động giáo dục; giáo viên tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới sáng tạo, tự chủ học tập phát triển chuyên môn, từ đó chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, việc đổi mới giáo dục đang vướng nhiều khó khăn về nguồn nhân lực; về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện hạ tầng kĩ thuật; về chế độ, chính sách cho giáo dục...
“Thay đổi Chương trình giáo dục phổ thông không chỉ thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá mà vấn đề căn cốt là thay đổi tư duy dạy học của người thầy. Trước áp lực của xã hội, người thầy bị chi phối rất nhiều, nên thật khó để có sự thay đổi nhận thức về dạy học trong một thời gian ngắn. Hiện nay số học sinh tăng nhưng biên chế giảm, đồng thời khi học sinh lựa chọn môn học (môn chọn nhiều, môn chọn ít, thậm chí có môn số học sinh chọn không đủ 1 lớp) dẫn đến khó khăn cho các nhà trường giải quyết bài toán nhân sự. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ và chất lượng. Sân chơi, bãi tập cũng hạn chế…”, bà Khúc Thị Huệ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trịnh Hoài Thu - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tại Hà Nội, số giáo viên tiểu học là nữ chiếm tỷ lệ 91,8%, đóng vai trò và tầm quan trọng trong giáo dục. Tuy nhiên, giáo viên nữ trong công cuộc đổi mới giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, áp lực: Phải liên tục bồi dưỡng, tập huấn về thực hiện dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới, phải nâng cao trình độ đáp ứng Luật Giáo dục 2019, phải học tập các môn học mới như tin học, công nghệ để dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục, phải biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý thực hiện bằng công nghệ số ở phổ thông... Bên cạnh đó, với gia đình, giáo viên nữ vẫn là người vợ, người mẹ có trách nhiệm chăm sóc vun vén cho tổ ấm của mình.
Bà Trịnh Hoài Thu cho rằng, Hội nữ trí thức Thủ đô cần đồng hành, chia sẻ cùng đội ngũ giáo viên nữ, tham mưu với các cấp lãnh đạo có cơ chế chính sách đối với giáo viên nữ như: Bảo đảm đủ định mức giờ dạy của giáo viên nữ theo quy định; kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tăng biên chế cho giáo viên tiểu học để đảm bảo đủ giáo viên theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp; tạo điều kiện cho giáo viên nữ được tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm; kiến nghị với Nhà nước về việc giảm tuổi về hưu của nữ giáo viên cấp tiểu học từ 60 tuổi về 55 tuổi như cũ...