Phát huy tiềm năng du lịch di tích ở TP Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh có 185 di tích được xếp hạng, nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ…, nên mới có 40 di tích có thể khai thác du lịch.
Những điểm sáng
Một trong những sản phẩm du lịch mới đang rất “hút khách” là tour tham quan trụ sở HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh. Tòa nhà cổ hơn 110 năm tuổi, rộng hơn 18.000m2 nằm giữa trung tâm thành phố được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, nay được mở cửa đón khách vào thứ bảy và chủ nhật cuối tháng. Hiện tour đã kín khách cho năm 2023.
Từ khi mở cửa dịp 2-9-2023 đến nay, tour này đã đón hơn 5.000 lượt khách. “Tòa nhà rất đẹp. Mọi đường nét kiến trúc, trang trí bên trong được giữ gìn cẩn thận, tu bổ theo nguyên mẫu từ viên gạch lát nền cho đến phào chỉ trang trí trần nhà như nó đã từng tồn tại hơn một thế kỷ qua. Tôi rất ưa thích điểm đến này”, ông Phương Nghĩa Dũng, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Một di tích nổi tiếng khác của thành phố Hồ Chí Minh cũng là điểm “phải đến” của nhiều du khách. Đó là tòa nhà Bưu điện thành phố, nằm giữa trung tâm quận 1, mang ý nghĩa lớn về mặt kiến trúc - văn hóa - lịch sử với người dân sở tại. Năm 2023, tòa nhà hơn 130 năm tuổi do người Pháp xây dựng với kiến trúc pha trộn hài hòa giữa phong cách phương Tây với phương Đông, được xếp thứ 2 trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn.
Chị Trương Kiều My, hướng dẫn viên du lịch đến từ thành phố Cần Thơ cho biết, hầu hết khách trong các đoàn chị từng dẫn đều hào hứng khi đến thăm các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, như Địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập, chợ Bến Thành, những hội quán người Hoa ở quận 5, khách sạn cổ Majestic, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh… “Không phải nơi nào cũng có hệ thống di tích đa dạng, phong phú và hấp dẫn như thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những sản phẩm du lịch riêng có của thành phố này”, chị My nói.
Mới đây nhất, điểm đến du lịch vừa khai trương là Bảo tàng Biệt động đã thu hút đông đảo du khách là người dân thành phố và cả khách phương xa ghé thăm.
Anh Trần Bình, con trai của người chỉ huy biệt động thành huyền thoại Trần Văn Lai và là người duy trì, phát triển hệ thống di tích này, nói: “Đây là một trong những mô hình bảo tàng trong di tích đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Những câu chuyện lịch sử ngay tại di tích hoạt động xưa, với hiện vật sinh động… đã làm nên sự hấp dẫn này”.
Còn nhiều tiềm năng
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 185 di tích được xếp hạng, rất đa dạng về loại hình, đặc trưng lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, thành phố còn có hệ thống di sản vật thể và phi vật thể rất đa dạng có thể phát triển du lịch để quảng bá, bảo tồn.
Tuy nhiên, các con số thống kê cũng cho thấy, mới chỉ có 40 di tích thực sự thu hút khách; di sản phi vật thể hầu như chưa có dịp “tỏa sáng” với du khách.
Anh Trương Chí Phương, du khách Đà Nẵng, nhận xét: “Tôi nghe nói nhiều đến những ngôi trường cổ hơn 100 năm tuổi rất đẹp tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi đến Trường THPT Marie Curie hay Trường THPT Lê Quý Đôn mới biết không có chương trình tham quan chính thức, dù là ngày cuối tuần. Trụ sở Tòa án thành phố rất đẹp, nhưng không đón khách. Các hội quán, đền, miếu đặc trưng văn hóa người Hoa chưa có hướng dẫn liên kết chuỗi điểm đến. Buổi tối không dễ dàng để tìm điểm biểu diễn các trích đoạn cải lương hay hát bội…”.
Đại diện một số cơ quan quản lý chuyên ngành tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã nắm bắt, nhìn nhận những hạn chế nêu trên và có kế hoạch phù hợp để khắc phục, phát triển.
Đơn cử, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang có vốn di tích kiến trúc đồ sộ ngay trung tâm. Hiện, hơn 274 biệt thự Pháp cổ loại 1 và 35 khu vực kiến trúc cảnh quan đã được đưa vào danh sách cần được bảo tồn. Việc phát triển du lịch đến một số điểm này cũng được coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để quản lý và bảo vệ di tích.
Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin, Sở đang chủ trì để cùng các chuyên gia, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp du lịch đánh giá, xâu chuỗi các điểm đến di tích vật thể, di sản phi vật thể trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; tổ chức các sản phẩm du lịch theo chủ đề, như chủ đề về nghi lễ, văn hóa dân gian; du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch lễ hội và du lịch ban đêm.
"Những điểm đến lân cận nhau sẽ kết nối thành các tour, tuyến tham quan hấp dẫn… đưa sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là một trong những sản phẩm chính của thành phố Hồ Chí Minh", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhận định.