Thụ hưởng chế độ thai sản: Cần bình đẳng
Hiện nay, chế độ thai sản mới chỉ bao phủ đến người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản. Điều này phần nào gây nên sự bất bình đẳng, cần điều chỉnh nhằm mở rộng diện bao phủ chế độ chính sách này trong hệ thống an sinh xã hội.
Đòi hỏi từ thực tiễn
Nghiên cứu về diện bao phủ chế độ thai sản trong hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) Đàm Thị Vân Thoa cho biết, diện bao phủ thực tế chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam hiện mới đạt khoảng 40%. Một số tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tới trên 80% phụ nữ sinh con, nhận con nuôi không được hưởng chế độ trợ cấp thai sản.
Nguyên nhân của thực tế trên là tại Việt Nam hiện nay, người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng bất kỳ chế độ thai sản nào. Điều này dẫn đến không ít hệ lụy, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.
Nghiên cứu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho thấy, việc không được hưởng chế độ thai sản đã tác động không nhỏ đến hành vi của phụ nữ, như: Chỉ đi khám thai "tranh thủ" để không ảnh hưởng đến công việc, thu nhập; thường phải sống dựa vào nguồn thu nhập của chồng, hoặc do gia đình hỗ trợ… Một số trường hợp vẫn tham gia lao động nặng nhọc khi mang thai; thường xuyên phải cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ mang thai và sinh nở; hoặc ứng phó với việc không có thu nhập khi nghỉ sinh con bằng việc rút bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý là phụ nữ ở thành phố thường quay trở lại làm việc khi mới đến tháng thứ tư sau sinh. Đối với phụ nữ nông thôn, hầu hết khoảng 2 tháng sau sinh đã quay trở lại làm việc như trước khi nghỉ. Thực tiễn này đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời về chính sách trợ cấp thai sản, an sinh xã hội, về kinh tế, việc làm và dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em.
Xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng
Việc khuyến nghị mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam là một nội dung được các chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đặc biệt quan tâm. Chuyên gia Nguyễn Hải Đạt (Văn phòng ILO tại Hà Nội) nêu khuyến nghị về việc xây dựng chế độ trợ cấp thai sản đa tầng, giúp tất cả phụ nữ tại Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ.
Trong đó, trợ cấp tầng 1 (do ngân sách nhà nước chi trả) sẽ dành cho tất cả những người không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm thu nhập cơ bản cho các bà mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội nhưng vẫn được bảo vệ. Trợ cấp tầng 2 (do Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước chi trả) sẽ giúp thay thế thu nhập bị mất của các bà mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemobe lưu ý, cần nghiên cứu chính sách phù hợp đối với phụ nữ không thuộc phạm vi điều chỉnh của bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo đảm quyền được hưởng trợ cấp thai sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bà mẹ, trẻ em.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó, Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước bảo đảm. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành. Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại Hội nghị lần thứ tám (diễn ra từ ngày 2 đến 8-10-2023), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; mở rộng, gia tăng quyền lợi, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội theo hướng trợ giúp cả vật chất và tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; có chính sách bảo trợ xã hội đối với người không có khả năng lao động.
Với định hướng như vậy, có thể khẳng định, việc mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản là cần thiết nhằm bảo đảm tỷ lệ sinh, bảo đảm sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng và nâng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.