Chính trị

Lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam

Đình Hiệp 24/10/2023 - 13:42

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Các đại biểu bày tỏ lạc quan về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam khi các chỉ số cơ bản đạt và tăng cao so với các quốc gia trong khu vực.

anh-6.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại tổ.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan tâm đến 2 nhóm vấn đề, đó là việc tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và phát huy nguồn lực đất đai hiện nay.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng cho biết, Trung ương đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay việc triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng. Đặc biệt, việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Nội khi triển khai việc tự chủ trong các trường học. Cụ thể, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Năm học 2023-2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã.

“Mục tiêu quan trọng của nghị quyết thí điểm này là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua cơ chế đặt hàng cho các trường, từ đó các trường hướng đến việc tự chủ hoàn toàn”, đại biểu Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu vấn đề: “Tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được, đây là có phải điểm mấu chốt để tháo gỡ không? Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. Đây là điểm mà chúng ta cần suy nghĩ”.

Từ thực tiễn thời gian qua, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho rằng cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. “Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản nằm bất động. Thành phố Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Nhiều dự án nằm đấy cả chục năm, 20 năm rồi khiến người dân bức xúc, là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên phải rà soát xử lý”, đại biểu Đinh Tiến Dũng cho biết.

anh-2(1).jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

“Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đối với những dự án chậm triển khai, cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Còn đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm.

Tận dụng dòng đầu tư mới

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, có những nội dung Quốc hội đã giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rồi, song sự chuyển biến trên thực tế vẫn còn rất cầm chừng.

anh-8.jpg
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ lạc quan khi nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, trong đó kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

anh-4.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí thảo luận.

Đại biểu bày tỏ nhất trí với đánh giá về những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế nước ta trong 9 tháng năm 2023 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra trong báo cáo. Góp ý trực tiếp vào các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay, trong đó có cả những tác động sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu dẫn thông tin mà những ngày qua báo chí quan tâm, đó là tình trạng nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông báo tình hình hạn chế máu và không còn máu cung cấp cho điều trị.

“Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện. Vì vậy, tôi kiến nghị Quốc hội sớm có đợt giám sát về vấn đề này; đồng thời có ý kiến để Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng cấp thiết này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cơ bản nhất trí với các đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong khu vực, cho thấy việc điều hành của Chính phủ thực sự hiệu quả và linh hoạt.

anh-5.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức đối với nền kinh tế sau đại dịch mà nhiều quốc gia gặp phải khi nợ công tăng, nguy cơ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp… sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, chúng ta cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

“Hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, tín dụng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Chúng ta cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đặc biệt là tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực thời kỳ hậu Covid-19, bởi Việt Nam vẫn được xem là điểm hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để hợp tác với các nhà đầu tư của Mỹ cũng như các đối tác của nền kinh tế số 1 thế giới sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

anh-7.jpg
Đại biểu Lê Quân thảo luận tại tổ.

Đại biểu Lê Quân bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường đại học hiện nay, trong đó có vấn đề tự chủ về tài chính. Đại biểu nêu thực trạng thời gian qua các trường đại học tự chủ gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; một số quy định về pháp luật chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Tình trạng này sẽ còn khó khăn hơn khi thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2024, bởi nguồn thu của các trường không tăng nhưng chi cho lương và các chi phí khác sẽ tăng theo.

“Các trường đại học tự chủ hiện không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn bị cạnh tranh nguồn nhân lực với khu vực tư nhân rất lớn. Bởi một tiến sĩ được đào tạo về công nghệ thông tin ở nước ngoài về Việt Nam làm việc phải trả mức lương 40 đến 50 triệu/tháng. Các trường đại học rất khó để thu hút nhân tài với cơ chế trả lương hiện nay. Vì thế, Quốc hội cần sớm có các cơ chế, chính sách để các trường đại học tự chủ có thêm nguồn thu khác, chứ không chỉ trông chờ vào tăng học phí”, đại biểu Lê Quân kiến nghị.