Nỗ lực thu hút người nước ngoài đến khám, chữa bệnh
Đây là thế mạnh và là mục tiêu mà thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ phát triển, hướng tới. Thời gian qua, công việc này tuy đã đạt thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm.
Nhiều kết quả đáng mừng
Giữa tháng 10 này, nam bệnh nhân Sol Facun Asuncion, 59 tuổi, đến từ Philippines cùng người nhà vô cùng phấn khởi trong ngày xuất viện bởi có những tiến triển tốt sau quá trình phẫu thuật khối ung thư tâm vị thực quản tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người nhà bệnh nhân tâm sự: “Gia đình chúng tôi đã đúng khi lựa chọn đến Việt Nam và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy".
Trước đó, bệnh nhân đã thực hiện hóa trị tại Philippines và được các bác sĩ đầu ngành nước này giới thiệu đến thành phố Hồ Chí Minh, bởi họ đã được nghe và rất ấn tượng khi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trình bày các phương pháp điều trị mới trong một hội nghị khoa học quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đây là một ca bệnh khó. Bệnh nhân bị một khối u ở vùng tâm vị thực quản, vị trí khó nhất đối với phẫu thuật viên khi tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên sâu, các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi hoàn toàn để cắt khối u ở bán phần trên của dạ dày, kết hợp với nạo hạch triệt để.
“Đây là một phương pháp phẫu thuật phức tạp và cũng là một kỹ thuật mới trên thế giới. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân xuất viện trở về Philippines”, bác sĩ Lâm Việt Trung thông tin.
Trước đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận bệnh nhân S.S, 63 tuổi, người Campuchia, nhập viện trong tình trạng yếu chân mức độ nặng, đại tiểu tiện không tự chủ. Ông S.S vốn khỏe mạnh, nhưng một năm trở lại đây, ông bị yếu 2 chân, tiến triển ngày càng nặng. Bệnh viện địa phương xác định ông bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, sau đó được phẫu thuật. Tuy nhiên, sau điều trị, bệnh tiến triển nặng hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đình Chương (Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) thông tin, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp có khả năng tổn thương tủy ngực dẫn đến yếu 2 chân và rối loạn tiểu tiện. Các bác sĩ thực hiện can thiệp tắc dị dạng bằng kỹ thuật đưa ống thông siêu nhỏ, tiếp cận ổ dị dạng và bơm keo sinh học. Hai ngày sau can thiệp, bệnh nhân đã đi lại nhẹ nhàng và xuất viện.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 300.000 khách nước ngoài đến du lịch chữa bệnh. 40% trong số này đến thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, 50 đơn vị của ngành Y tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp đưa ra 30 sản phẩm du lịch chữa bệnh cả bằng y học hiện đại và y học cổ truyền để thu hút khách nước ngoài.
Còn nhiều việc phải làm
Dù đã đạt được những thành tựu ban đầu đáng khích lệ, song ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định còn phải cố gắng nhiều để trở thành một trong những điểm đến chữa bệnh hàng đầu trong khu vực được khách lựa chọn.
Theo đó, trong khu vực ASEAN, Bangkok của Thái Lan, Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia) đang là 3 điểm đến thu hút nhiều bệnh nhân quốc tế nhất. Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trong danh sách tốp đầu này.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, dù các bác sĩ của thành phố có thể triển khai thành công nhiều kỹ thuật khó không phải ở đâu cũng làm được như mổ robot, thụ tinh trong ống nghiệm, thông tim…, nhưng do chưa chủ động quảng bá kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới ra quốc tế nên ít người biết đến.
Ngoài ra, nhân lực phục vụ khám, chữa bệnh cho người nước ngoài chưa phát triển đúng mức. Nhiều bệnh viện chưa chủ động tham gia vào danh sách xếp hạng các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Du lịch y tế phát triển còn manh mún…
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, mô hình ở Thái Lan và Singapore rất đáng học tập. Theo đó, Thái Lan đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân nước khác đến khám, chữa bệnh; có nhiều điểm du lịch kết hợp với y tế, thu hút du khách chữa bệnh gắn với nghỉ dưỡng... Còn Singapore mời các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đến mở cơ sở khám, chữa bệnh; chú trọng đến nghiên cứu và triển khai nhiều công nghệ điều trị mới ngang tầm các nước phát triển…
Theo ông Tăng Chí Thượng, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã xác định 7 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và thu hút bệnh nhân quốc tế nói riêng trong thời gian tới, gồm: Hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai khu y tế kỹ thuật cao theo mô hình viện - trường. Xây dựng mạng lưới chăm sóc theo chuyên khoa từ y tế chuyên sâu đến y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, phát triển du lịch y tế. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Cung ứng đầy đủ các loại hình chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người bệnh.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm, người Việt đang chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài khám, chữa bệnh, tập trung vào khám sức khỏe, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao giúp phát hiện bệnh sớm như ung thư, bệnh tim mạch… Nguyên nhân do họ còn thiếu thông tin về các kỹ thuật y tế chuyên sâu đã được triển khai thành công trong nước, hoặc chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích; chưa đủ niềm tin vào bệnh viện trong nước.