Cán bộ “7 dám” và việc thực hiện “công việc gốc” của Đảng Bài cuối: Hướng tới mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh từ gốc
Từ bài học kinh nghiệm được nêu trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu”, Đại hội lần thứ XVII thành phố Hà Nội đã đặt nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội sẽ hiện thực hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; đồng thời thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh từ “gốc”.
- Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Thành ủy Hà Nội đã có những bước đi bài bản về công tác cán bộ, góp phần vun trồng những “gốc rễ” vững mạnh của Đảng. Từ những bài học kinh nghiệm quý được đúc rút trong văn kiện Đại hội XIII, đồng chí có thể khái quát về việc thực hiện công tác cán bộ tại Đảng bộ thành phố thời gian qua?
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng. Hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu tại Đại hội XIII, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu: “Nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh”.
Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã luôn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.
Qua đó, đã tập trung lãnh đạo triển khai nhiều giải pháp căn cơ, đột phá nhằm nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố; chú trọng thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ, liên thông các khâu của công tác cán bộ, ưu tiên tập trung vào những khâu quan trọng, có tính đột phá như: Đổi mới đánh giá cán bộ; thí điểm thi tuyển một số chức danh cấp phòng; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; đặc biệt là đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở trong nước và ngoài nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp…
Đến nay, Thành ủy đã chỉ đạo hoàn thành tổ chức bồi dưỡng cho 91 đồng chí cán bộ quy hoạch nguồn Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 ở trong nước và 40 đồng chí cán bộ đi bồi dưỡng ở Trung Quốc; bồi dưỡng kiến thức cho 706 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; 197 cán bộ nguồn quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc; hơn 1.000 bí thư, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn và hiện nay, thành phố tiếp tục tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cho 461 đồng chí cán bộ quy hoạch nguồn ủy viên ban thường vụ quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy.
Thông qua việc tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, góp phần hình thành tầm nhìn và tư duy chiến lược; đồng thời được trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận, thực tiễn và kỹ năng công tác… Qua đó, đã giúp các cán bộ diện quy hoạch nâng cao nhận thức về tư tưởng chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý; rèn luyện đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ.
- Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ các cấp, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội cũng đặc biệt coi trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật. Xin đồng chí chia sẻ thêm về điều này?
- Đúng như vậy, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành Điều lệ Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm, coi trọng. Với vai trò Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai những văn bản chỉ đạo của Trung ương, trong đó có việc siết chặt kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa “từ sớm, từ xa” những sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Đảng bộ thành phố Hà Nội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, giám sát; tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết; thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Báo cáo sơ kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 3.542 lượt tổ chức Đảng, 992 đảng viên; giám sát 2.212 lượt tổ chức Đảng, 1.098 đảng viên. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 17 đoàn kiểm tra đối với 60 lượt tổ chức Đảng, 51 đảng viên và 9 đoàn giám sát đối với 22 lượt tổ chức Đảng, 10 đảng viên.
Công tác giám sát cũng được thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát chuyên đề đối với 1.877 lượt tổ chức Đảng và 2.639 đảng viên. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ban thường vụ 30 quận, huyện, thị ủy đã giám sát đối với 97 tổ chức Đảng; sau giám sát đã chuyển kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 9 tổ chức Đảng.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức Đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức Đảng. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng đã triển khai các cuộc kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Điển hình, đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng cấp dưới có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Công tác thi hành kỷ luật Đảng được cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xem xét giải quyết kịp thời, đồng bộ; xử lỷ kỷ luật về Đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về chính quyền, bảo đảm nghiêm minh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đã thi hành kỷ luật 28 tổ chức Đảng và 2.377 đảng viên.
Việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng đã góp phần khẳng định sự tôn nghiêm của kỷ luật Đảng, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn ngừa sai phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
- Để Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô, trái tim của cả nước, thời gian tới, công tác bộ của thành phố sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô”. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố thời gian tới là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để thực hiện, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo quy định, hướng dẫn của Trung ương; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”…
Thành phố Hà Nội cũng sẽ tập trung cụ thể hóa, triển khai chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, theo Kết luận số 14-KL/TƯ của Bộ Chính trị; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm và thực hiện bố trí công tác cán bộ sau khi bị kỷ luật; kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm theo Quy định số 41-QĐ/TƯ ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị…
Thành phố sẽ cụ thể hóa cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ vào những vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức, cán bộ; tổ chức thí điểm các chủ trương theo chỉ đạo của Trung ương.
Song hành với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu, thành phố sẽ tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; nghiêm túc thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo Quy định số 179-QĐ/TƯ ngày 25-2-2019 của Bộ Chính trị nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh sai phạm trong công tác cán bộ.
- Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tạo điều kiện cho cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố sẽ được triển khai như thế nào để ngăn ngừa, giám sát và quản lý sai phạm, thưa đồng chí?
- Song hành với việc thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, ngày 7-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU của về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Chỉ thị đã đưa cụm từ “kỷ cương” lên trước cụm từ “kỷ luật” để nhấn mạnh việc tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ, qua đó tạo sự thay đổi được nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô.
Tại Chỉ thị số 24-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hóa, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công, thực thi nhiệm vụ và trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. Trong xử lý công việc, phải bảo đảm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, thông suốt trước khi quyết định. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Chỉ thị cũng yêu cầu cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, đi đầu về tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm, chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện và vượt qua khó khăn, thử thách vì công việc chung.
Đáng chú ý, nhóm nhiệm vụ thứ năm được nêu tại Chỉ thị số 24-CT/TU chính là: Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Chỉ thị cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực và các vi phạm khác.
Cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Thành ủy sẽ chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; xây dựng và triển khai tốt các chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố.
Thành ủy tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được quy định tại Điều 32 Điều lệ Đảng; chú trọng công tác giám sát chuyên đề; kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời ngăn chặn, ngăn ngừa vi phạm.
Việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý; tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm song hành với siết chặt kỷ cương, kỷ luật sẽ góp phần tạo ra nền tảng vững chắc để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh từ “gốc rễ”, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển và hội nhập của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Ban Tổ chức Trung ương đang được giao nhiệm vụ xây dựng quy định về thẩm quyền người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực nổi trội; quy định về phát hiện, sử dụng, bố trí nhân tài. Những quy định này sẽ bổ sung vào Quy định số 114-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ... Trách nhiệm xây dựng, chỉnh đốn Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng; đồng thời khuyến khích Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản ánh, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.