Xe++

Ô tô điện Trung Quốc trỗi dậy tại nhiều thị trường lớn

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 23/10/2023 - 18:46

Danh sách 20 nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (xét theo doanh thu) năm 2023 của Business Research Insights tiếp tục ghi nhận Volkswagen đứng đầu, nhưng sự quan tâm của giới chuyên môn đổ dồn vào diễn biến khác là sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc.

kr6tijcinsquvsdjv62j.jpg
Lợi thế giá rẻ đang giúp xe điện Trung Quốc lấn sân nhiều thị trường lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Danh sách nói trên có tới 7 thương hiệu ô tô Trung Quốc, nhiều gấp đôi Nhật Bản, Đức, Mỹ… Trong đó, dẫn đầu là Công ty ô tô quốc tế Thượng Hải (SAIC) với 103,22 tỷ USD, vượt trên Tesla, Nissan, KIA…

Theo các chuyên gia kinh tế, nhờ sự phát triển của các dòng xe điện bắt đúng nhịp thay đổi của nền công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ.

Một trong những động lực để các hãng xe điện Trung Quốc phát triển nhanh chóng chính là sự thuận lợi tại “sân nhà”. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, trong nửa đầu năm 2023, 55% lượng xe điện bán ra trên toàn cầu được tiêu thụ tại Trung Quốc, nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ dành cho người mua xe.

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc cũng dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại thị trường châu Âu, thách thức các thương hiệu nội địa. Hiện, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% doanh số ô tô khu vực Tây Âu, nhưng lại chiếm 8,4% thị trường ô tô điện, tăng từ mức 6,2% của năm ngoái.

Người mua ô tô ở châu Âu lúc này chuộng xe điện Trung Quốc vì giá thành rẻ, thiết kế ưa nhìn, trong khi vẫn tích hợp nhiều tính năng. Mức giá thấp là ưu điểm lớn của xe điện Trung Quốc, khi người dân lục địa già đang chật vật với chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, nhiều hãng sản xuất xe điện Trung Quốc đang dành sự quan tâm đặc biệt tới khách hàng châu Âu vì thuế nhập khẩu ô tô chỉ là 10%, so với mức 27,5% ở Mỹ. Châu Âu cũng là thị trường pin xe điện lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

hnmo_ev_china_2.jpg
SAIC, BYD, GWM, GAC... là những tên tuổi ô tô điện Trung Quốc đang nỗ lực tiến ra thị trường quốc tế.

Để đối đầu với làn sóng xe điện từ Trung Quốc, các nhà sản xuất tại châu Âu đang triển khai nhiều mẫu xe điện mới để tăng tính cạnh tranh. Stellantis, tập đoàn sở hữu các thương hiệu Peugeot, Citroen (Pháp), Alfa Romeo, Fiat (Italia) mới đây cho đã ra mắt mẫu xe điện giá rẻ Citroen e-C3 chủ yếu nhằm cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Một thị trường lớn rất lý tưởng nữa dành cho các hãng xe điện Trung Quốc là Đông Nam Á. Theo Tân Hoa xã, xe điện Trung Quốc chứng kiến doanh số quý I-2023 trong khu vực này tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều nước ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng ngành công nghiệp ô tô điện, trong đó các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được coi là đối tác hàng đầu.

Tại Thái Lan, BYD đã được “đỡ đầu” bởi đại gia ô tô Siam Motors Group, khiến việc chiếm lĩnh thị trường vô cùng thuận lợi.

hnmo_ev_china.jpeg
Cuối tháng 9 vừa qua, hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD đã động thổ cơ sở sản xuất tại Rayong (Thái Lan).

Thị trường bấp bênh nhất với xe điện Trung Quốc lúc này là Mỹ. Washington đã ban hành đạo luật giảm lạm phát hồi tháng 8-2022, trong đó gồm một điều khoản cho phép người mua ô tô được hưởng ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD với xe được lắp ráp ở Bắc Mỹ.

Mỹ hiện quy định một tỷ lệ nhất định các khoáng chất và thành phần pin được sử dụng trong xe điện bán ở Mỹ phải được sản xuất trong nước. Mỹ cũng áp dụng mức thuế nhập khẩu 27,5% với xe hơi do Trung Quốc sản xuất.

Ngoài Mỹ, Ấn Độ là khu vực đang tỏ ra kém mặn mà với xe điện Trung Quốc, chủ yếu nhờ niềm tin vào năng lực sản xuất trong nước. Hồi tháng 7 vừa qua, New Delhi đã từ chối đề nghị xây dựng nhà máy xe điện trị giá 1 tỷ USD của BYD, đồng thời siết chặt nhiều quy định về đầu tư nước ngoài khiến một dự án hạ tầng sản xuất xe điện khác của Great Wall Motors (GWM) "tan thành mây khói".