Giáo dục

Tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập giảm

Thống Nhất 23/10/2023 - 17:14

Cả nước có hơn 1,2 triệu trẻ được huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đạt tỷ lệ 23,3%, giảm 0,3% so với năm học trước.

Ngày 23-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo thúc đẩy công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

hoi-thao-.jpg
Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non báo cáo tại hội thảo.

Theo Vụ Giáo dục mầm non, cả nước huy động được gần 5,2 triệu trẻ em tới trường, lớp, đạt tỷ lệ 70,4% so với tổng số trẻ trong độ tuổi, tăng hơn 250 nghìn trẻ, tương ứng với 4,6% so với năm học 2022-2023. Trong đó, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 32,1%, tăng 3,8%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 93,1%, tăng 3,7%.

Cả nước có hơn 1,2 triệu trẻ được huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đạt tỷ lệ 23,3%, giảm 0,3% so với năm học trước. Trong đó, có 17/63 tỉnh đạt chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đề ra tại Quyết định số 1677/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025.

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục mầm non, giai đoạn 2010-2015, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non lứa tuổi này trong bối cảnh hiện nay, giáo dục mầm non cần thúc đẩy công tác xã hội hóa.

mam-non-.jpg
Giờ học của trẻ Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh).

Tại hội thảo, ý kiến của các sở giáo dục và đào tạo chia sẻ sáng kiến, bài học kinh nghiệm về công tác xã hội hóa trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non. Các ý kiến thống nhất nhận định, hiện nay, các văn bản chỉ đạo về huy động các nguồn lực của xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ với quan điểm, tầm nhìn và định hướng đổi mới trong dài hạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Các tham luận tập trung chia sẻ các giải pháp huy động các nguồn lực của xã hội nhằm bảo đảm trẻ em ở mọi vùng miền được đến lớp, trong đó, xác định rõ đối tượng huy động, nội dung huy động và mục đích của việc huy động các nguồn lực này.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nêu rõ những khó khăn, bất cập giải pháp xã hội hóa để duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi như mở rộng quy mô trường, lớp; bảo đảm các điều kiện thực hiện chất lượng chăm sóc, giáo dục chuẩn bị cho trẻ vào học lớp1; nâng cao năng lực đội ngũ; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, trong đó, có việc đẩy mạnh gắn kết, liên thông chương trình giáo dục mầm non với chương trình lớp 1…