Công nghệ

Lĩnh vực công nghệ cao: "Khát” nguồn nhân lực

Trần Nhân 23/10/2023 - 06:59

Hiện nay, Việt Nam có những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… nhưng thực tế đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

nhan-luc.jpg
Quang cảnh làm việc trong Nhà máy Intel Products Việt Nam.

Từ tiềm năng phát triển công nghiệp chip bán dẫn...

Nhắc đến ngành công nghiệp bán dẫn (hay còn gọi là vi mạch) phải nói đến chip bán dẫn. Đây là thứ không thể thiếu, đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ. Từ việc có chip bán dẫn, các kỹ sư sẽ xây dựng được những thiết bị điện tử, hệ thống điện tử ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống.

Nhiều công ty bán dẫn và điện tử hàng đầu thế giới đã có trụ sở tại Việt Nam như Intel, Samsung, Microsoft, LG… Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận hợp tác, cũng như các dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn: Tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang) đi vào hoạt động tháng 9-2023; Nhà máy Amkor Technology Việt Nam - nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh cũng vừa chính thức đi vào hoạt động... Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Phú Hùng nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong thời gian tới nhưng thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực.

Để cho ra con chip hoàn thiện ước tính phải trải qua khoảng 600 bước, liên quan đến nhiều công nghệ và sản xuất ở nhiều nước. Các bước này có thể quy về thành 3 công đoạn chính: Thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói. Trong 3 công đoạn trên, công đoạn thiết kế chiếm khoảng 50-60% giá thành sản phẩm, công đoạn chế tạo chiếm khoảng 25-30%, công đoạn kiểm tra, đóng gói chiếm khoảng 15-20%.

Phần lớn nguồn nhân lực Việt Nam đang tập trung ở công đoạn thiết kế đơn giản và đóng gói. Có rất ít công ty trong nước (Viettel, FPT) tham gia ở công đoạn thiết kế chip. Rõ ràng, nếu Việt Nam chỉ mới tham gia khâu đóng gói, triển khai dịch vụ thiết kế thuê mà không tích cực tham gia, làm chủ công đoạn thiết kế, chế tạo hay chủ động về công nghệ thì nguồn thu sẽ rất hạn chế. Bài toán đặt ra là làm sao gia tăng được số công đoạn Việt Nam có thể làm chủ trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành này, từ đó tăng tính độc lập, tự chủ.

... đến giải bài toán nguồn nhân lực

Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 3 nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Phú Hùng, trong 3 khâu sản xuất chip, Việt Nam xác định sẽ tập trung vào khâu thiết kế nên rất cần nguồn nhân lực trình độ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp các cơ quan chức năng khác để đào tạo nhân lực công nghiệp chế tạo chip bán dẫn. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện, trường có lĩnh vực này. “Chúng tôi khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài chung tay. Thông qua các chương trình sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hợp tác song phương, đa phương đối với các nước có thế mạnh khoa học công nghệ lĩnh vực chip bán dẫn, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu làm chủ công nghệ” - ông Nguyễn Phú Hùng cho hay.

Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: Các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao; Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0.

“Do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng. Thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước”, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết.