Nguy cơ nhiễm trùng nếu điều trị mụn nhọt không đúng cách
Để chữa trị mụn nhọt, không ít người tìm đến các loại mỹ phẩm, cao dán được bán trôi nổi trên thị trường. Hậu quả là làn da bị hoại tử nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Tự ý trị mụn nhọt
Các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hoại tử da, nhiễm trùng máu có nguyên nhân từ mụn nhọt thông thường. Như mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận một bệnh nhân 48 tuổi (phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng đau đớn, sưng nề, tấy đỏ vùng cằm kèm theo sốt.
Việc khai thác tiền sử người bệnh cho thấy, trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân có nốt mụn nhỏ ở vùng cằm, ấn vào đau, gây sốt nên tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Sau đó, nghe người quen mách, chị dán cao lên nốt mụn, tuy nhiên vùng cằm ngày càng sưng nề, vùng tấy đỏ lan rộng, nốt mụn có mủ trắng.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tấy lan tỏa vùng cằm dưới hàm. Bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng vẫn bị đau nhiều, vùng cằm có mủ chảy ra, xuất hiện nhiều ổ áp xe và sốt cao liên tục. Sau khi tiến hành xét nghiệm cấy mủ tại vị trí tổn thương, kết quả tìm thấy trong mẫu cấy có vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Bệnh nhân được điều trị theo kháng sinh đồ kết hợp trích rạch viêm tấy lan tỏa, dẫn lưu ổ mủ và thay băng hằng ngày.
Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mới tiếp nhận một nam thanh niên 20 tuổi (Hà Nội), người này sau khi tự nặn mụn ở tay thì bị sốt cao, được chẩn đoán nhiễm khuẩn tụ cầu. Đây là một loại nhiễm khuẩn do vi khuẩn thuộc họ Streptococcus gây ra, thường lây lan qua tiếp xúc với giọt bắn, hắt hơi hoặc chạm đồ dùng cá nhân của người bệnh. Ngoài ra, các vết thương hở cũng là nơi vi khuẩn này dễ xâm nhập.
Vì sao không nên tự ý nặn mụn?
Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông, tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh, gây ra bởi tụ cầu vàng. Biểu hiện ban đầu là xuất hiện các nốt sần đỏ ở nang lông rồi to dần lên trong 2 - 4 ngày, trên đầu nốt nhọt xuất hiện ngòi mủ. Trong đó, nhọt cụm là một áp xe trong da, do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra.
Mụn nhọt có thể xuất hiệm ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông. Tuy nhiên, với mụn nhọt ở một vài vị trí đặc biệt thì phải chú ý, ví dụ như mụn đinh râu là cách gọi dân gian đối với những nốt mụn nhọt thường xuất hiện ở xung quanh miệng, cằm... Đây là những nốt mụn dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Nhiều người có thói quen tự tiêm hoặc nặn mụn, nhọt. Đây là việc nên tránh bởi dễ làm vết thương nhiễm trùng và viêm nặng hơn, nguy cơ bị nhiễm trùng huyết rất cao. Hơn nữa, nhọt còn là ổ nhiễm trùng và dễ lây lan rộng nên có nguy cơ xuất hiện những nhọt khác ở vị trí lân cận.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu (khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, nhiễm khuẩn tụ cầu là một dạng của nhiễm trùng cơ hội, hay gặp ở những người bị chấn thương, lở loét. Việc không đảm bảo vệ sinh khi nặn mụn đã tạo đường xâm nhập cho vi khuẩn tụ cầu. Với người bị suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, suy thận, ung thư... thì việc tự ý nặn mụn có nguy cơ nhiễm trùng cao, diễn tiến nặng hơn do vi trùng đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ lưu ý, khi bị nhọt, nếu chỉ có 1 - 2 nhọt thì có thể người bệnh không bị sốt, nhưng nếu bị nhiều nhọt, bị đinh râu hay kèm theo sốt, mệt mỏi, đặc biệt là sốt cao thì cần phải đến bệnh viện để khám và điều trị.
Để phòng tránh mụn nhọt, người dân cần vệ sinh cơ thể bằng các loại xà phòng sát khuẩn, duy trì chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm nhiều chất xơ, chất chống ô xy hóa, hạn chế thức ăn có nhiều đường. Mọi người cũng cần giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống thật tốt, nhà cửa cần được lau chùi sạch sẽ, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối, quần áo cần được giặt sạch, phơi nắng thường xuyên.