Thị trường thang máy trong nước: Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh chóng với nhiều tòa nhà cao tầng, các dự án trung tâm thương mại cao cấp, nhà riêng... nối tiếp nhau "mọc" lên ở các thành phố lớn, đang tạo nên dư địa phát triển lớn cho ngành thang máy Việt. Với tiềm năng và cơ hội rất lớn, thị trường thang máy đang thu hút nhiều nhà đầu tư.
Nhu cầu sử dụng tăng mạnh
Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) đã ra mắt thương hiệu thang máy iTEK (iTEK ELEVATOR) với 5 dòng sản phẩm, gồm: Thang máy gia đình, chở khách, chở hàng, vận chuyển bệnh nhân tại các bệnh viện và thang máy quan sát. Tổng Giám đốc EMTC Nguyễn Ngọc Chung cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu cung cấp các sản phẩm thang máy Made in Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp đã hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như thương hiệu động cơ thang máy SAG (Tây Ban Nha), Tập đoàn Wittur (Đức) trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm Việt Nam đạt chất lượng quốc tế. Đây đều là các đơn vị chuyên cung cấp thiết bị hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo World Economic Outlook của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt 8,02%, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia (với mức tăng trưởng 8,69%). Xét về quy mô GDP năm 2022, Việt Nam đứng thứ 5 trong khối ASEAN, đạt khoảng 406,5 tỷ USD. Cũng theo dự báo mới nhất của IMF, trong 5 năm nữa, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 662,9 tỷ USD vào thời điểm năm 2027. Với mức tăng dự báo này, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ ba trong khu vực ASEAN.
Về tầm nhìn dài hạn, nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng ổn định. Đây cũng chính là nền tảng tốt thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có ngành thang máy. Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng thang máy tại các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng công cộng và khu đô thị hiện đại ngày càng lớn. Điều này tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho thị trường thang máy Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Theo đề án được phê duyệt, 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030, trong đó, đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Tổng vốn dự kiến là khoảng 849.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nhu cầu về các loại hình bất động sản khác như trung tâm thương mại, shophouse, khu biệt thự liền kề, căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng... cũng đang ngày càng tăng cao và được rót nhiều vốn đầu tư.
Bên cạnh lực đẩy từ sự gia tăng nhanh chóng của những tòa nhà cao tầng đang nối tiếp nhau "mọc" lên ở các thành phố lớn, các dự án trung tâm thương mại cao cấp đang hình thành cũng tạo nên dư địa phát triển lớn của ngành thang máy Việt.
Nền tảng tốt thu hút vốn vào ngành thang máy
Theo báo cáo của Research and Markets mới công bố, quy mô thị trường thang máy và thang cuốn ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,1% trong giai đoạn 2021-2027. Đáng chú ý, cũng theo bộ phận nghiên cứu của đơn vị này, thị trường thang máy Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ CAGR là 8,28% trong giai đoạn 2017-2027.
Thực tế, theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thị trường thang máy. Trong năm 2022, tại Việt Nam có khoảng 24.600 cây thang máy được lắp đặt. Trong đó, khối lượng thang máy dùng cho nhà thấp tầng (từ 10 tầng trở xuống) là khoảng 14.600 cây (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thang máy).
Đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty thang máy quốc tế lớn như Otis, Schindler, Mitsubishi, Kone, Hitachi... cũng đã rót vốn đầu tư vào hoạt động thương mại tại thị trường Việt Nam và đạt được những thành công nổi bật. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào hoạt động thương mại với các dòng thang máy gia đình cao cấp, nổi bật như Gama Lift, hay các công ty cung cấp dịch vụ thang máy chuyên biệt như Gama Service. Ngoài ra, nhiều công ty đã tham gia vào hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước như Thiên Nam, Hisa, Fuji Alpha...
Để cạnh tranh với các dòng sản phẩm đã có trên thị trường, Giám đốc Điều hành iTEK ELEVATOR Nguyễn Tài Minh Cường chia sẻ, chất lượng, tính bền bỉ, bảo đảm độ chính xác và an toàn tuyệt đối là những yếu tố cạnh tranh của iTEK ELEVATOR so với các thương hiệu khác. “Để trở thành một thương hiệu của Việt Nam đủ tầm vóc và chất lượng, mang tiêu chuẩn quốc tế, việc đầu tư vào con người, công nghệ và thiết bị là những yếu tố tiên quyết. Đây cũng là chiến lược mà doanh nghiệp đang triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Tài Minh Cường khẳng định.
Theo các chuyên gia, muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì yếu tố “xanh” về phát triển bền vững cần được quan tâm bới đó sẽ dần trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc. Đặc biệt, trước hết sản phẩm Made in Việt Nam phải bảo đảm “thắng trên sân nhà” nếu muốn hướng đến mục tiêu vươn tầm cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó cũng là bài toán dành cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thang máy hiện nay dù dư địa thị trường được đánh giá còn rất lớn.