Nhân rộng chuỗi liên kết thủy sản ở Đại Áng
Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) dù mới thành lập, nhưng nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn, nên đầu ra cho sản phẩm luôn thuận lợi.
Hiện tại, cá tươi, sản phẩm chế biến từ cá của hợp tác xã được cung cấp cho nhiều bếp ăn tập thể và các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Phó Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng Nguyễn Văn Thiêm cho biết, từ năm 2018, khi mới thành lập, hợp tác xã đã thuê đất của các hộ dân và đào đắp ao xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ “sông trong ao”. Trên diện tích khoảng 5ha, hợp tác xã xây 15 bể nuôi có máy thổi hút khí, bơm nước tạo dòng chảy để có môi trường nước giàu ô xy cho cá. Hệ thống sục khí và thu dọn phân cá cũng được lắp đặt, giúp làm sạch môi trường ao nuôi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiêm, nuôi cá công nghệ “sông trong ao” tuy vốn đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, song hiệu quả cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Cụ thể, mật độ chăn nuôi dày hơn 3 lần so với nuôi cá thông thường nên năng suất cao hơn. Cá có tập tính thích bơi ngược dòng, nên việc tạo dòng chảy giúp cá vận động nhiều, thịt cá săn chắc hơn và thơm ngon hơn so với nuôi thông thường. Thêm nữa, việc theo dõi sự phát triển của cá và phát hiện sớm dịch bệnh cũng được kiểm soát dễ dàng, qua đó ngăn ngừa rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, mô hình “sông trong ao” với những ao nhỏ cũng giúp việc đánh bắt, thu hoạch cá trở nên dễ dàng hơn.
Đến nay, sau hơn 5 năm thành lập, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng đã đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm nuôi 2 lứa cá, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 450 tấn thủy sản các loại. Riêng mô hình “sông trong ao” đạt sản lượng khoảng 300 tấn, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi..., doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về mô hình nuôi thủy sản ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Văn Hưng cho biết, xã Đại Áng là vùng trũng của huyện Thanh Trì, sản xuất nông nghiệp thường kém hiệu quả. Trước tình hình đó, năm 2018, xã Đại Áng đã làm đầu mối trung gian vận động các hộ dân cho Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng thuê 10ha để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó có một phần diện tích ứng dụng công nghệ “sông trong ao”.
Ngoài diện tích 10ha thuê của các hộ dân, hợp tác xã còn liên kết với hàng chục hộ dân khác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá với diện tích mặt nước lên tới 100ha ở các huyện Thường Tín và Ứng Hòa. Thực hiện việc liên kết, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng cung cấp con giống, hướng dẫn quy trình nuôi, thu hoạch cho người dân. “Chúng tôi còn liên kết với các công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi cho người dân với giá gốc. Về việc thu mua, chúng tôi có hợp đồng tiêu thụ ngay từ đầu, nên người dân yên tâm, không lo đầu ra. Hiện mỗi ngày, hợp tác xã bao tiêu cho người dân trong vùng từ 5 đến 7 tấn cá”, ông Nguyễn Văn Thiêm cho hay.
Mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của hợp tác xã đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Các sản phẩm thủy sản thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, nhiều năm nay chưa phát hiện trường hợp nào mất an toàn.
Không chỉ tự nuôi trồng, hợp tác xã còn chế biến và tiêu thụ thủy sản khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Với 2 dây chuyền sơ chế, chế biến cá và 25 công nhân, hợp tác xã chế biến được 10 tấn nguyên liệu/ngày để làm ra các sản phẩm cá phi lê, chả cá và ruốc cá. Sản phẩm được cung cấp cho bếp ăn tập thể của các đơn vị quân đội, công an, bệnh viện và trường học trên địa bàn thành phố.
Dự báo thời gian tới, các bếp ăn tập thể vẫn là một trong những kênh tiêu thụ lớn và ổn định. Việc liên kết từ khâu nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ qua chuỗi liên kết này còn nhiều tiềm năng. Do vậy, Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống kho lạnh, các xe vận chuyển để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thủy sản của Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá cao. Mô hình này góp phần đa dạng kinh tế nông thôn, mở ra hướng đi cho nhiều hợp tác xã khác học tập, nhân rộng.