“Tiên học lễ”
Dư luận tuần qua dậy sóng vì chuyện một số ca sĩ trẻ lập nhóm nói xấu, chỉ trích thầy cô của mình. Hành động “chưa khỏi vòng đã cong đuôi”, thái độ vô ơn với người từng dìu dắt mình của những người đang chập chững bước trên con đường nghệ thuật là điều công chúng khó chấp nhận.
Ngay từ những ngày đầu bước chân đến trường, chúng ta đã được làm quen với khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy chúng ta trước hết phải rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân, sau đó mới học đến kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết. Ông cha cũng luôn dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mang hàm ý nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời, dù đó là người chỉ dạy ta “nửa chữ” thì vẫn phải biết ơn, kính trọng...
Với các ngành nghệ thuật, đòi hỏi của công chúng với các giá trị đạo đức của người theo nghề dường như còn khắt khe hơn bởi đây là nghề góp phần lan tỏa giá trị chân, thiện, mỹ đến với xã hội, có sức ảnh hưởng nhất định đến công chúng. Chính vì thế, khi một số ca sĩ trẻ, nhất là ca sĩ thuộc dòng nhạc thính phòng, được đào tạo bài bản, thậm chí một số đã được giải qua các cuộc thi, đã bắt đầu được công chúng biết đến, lại có hành vi lập hội nhóm nói xấu thầy cô với những ngôn từ khó chấp nhận thì không chỉ những người bị xúc phạm mà rất nhiều bạn đọc cũng cảm thấy “sốc”. Đáng buồn khi nhiều nghệ sĩ có tiếng cho biết, sự việc này không phải là lần đầu tiên, nhưng vì không muốn “chấp” học trò nên họ đã cho qua nhiều lần.
Tuy nhiên, ngay cả khi thầy cô sẵn sàng cho qua thì dư luận vẫn không bỏ qua thái độ "khó coi" của nghệ sĩ trẻ. Nhiều người trong nghề, chuyên gia giáo dục và cả người hâm mộ đã lên tiếng phê phán hành vi, thậm chí kêu gọi tẩy chay. Đồng thời, dư luận cũng chỉ cho những “trò hư” thấy việc làm vô ơn của họ với thầy cô chính là tự mình hủy hoại sự nghiệp của chính mình. Bởi thành công của một con người, ngoài tài năng, nỗ lực còn phải có sự dạy bảo của thầy cô, sự hỗ trợ kết nối, tạo cơ hội của biết bao người khác. Khi chúng ta vô ơn, mọi cánh cửa sẽ dần khép lại.
Sự việc này có lẽ không nên coi là câu chuyện của riêng ai hay của riêng ngành nào, mà nên coi là bài học ứng xử chung, đặc biệt là với các bạn trẻ.