Đặc phái viên EU và Mỹ kêu gọi Kosovo và Serbia nối lại đối thoại
Ngày 21-10, theo ABC, các đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã kêu gọi Kosovo và Serbia nối lại đối thoại về bình thường hóa quan hệ trước khi tình trạng căng thẳng gay gắt dẫn đến gia tăng bạo lực.
Đặc phái viên EU Miroslav Lajcak và Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Tây Balkan Gabriel Escobar cùng các nhà ngoại giao Đức, Pháp, Italia đã gặp Thủ tướng Kosovo Albin Kurti tại Pristina.
Chuyến công tác được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Kosovo và Serbia gia tăng sau vụ khoảng 30 người đàn ông đeo mặt nạ nổ súng vào lực lượng tuần tra của cảnh sát Kosovo gần khu vực Banjska. Cuộc đấu súng kéo dài 12 giờ. Kosovo cáo buộc các tay súng là người Serbia.
Ông Miroslav Lajcak nhấn mạnh rằng, cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát Kosovo ngày 24-9 bởi các cá nhân có vũ trang đã khiến căng thẳng leo thang chưa từng có. Việc giảm căng thẳng và bình thường hóa giờ đây trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Cả Kosovo và Serbia đều muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, các quan chức khối này yêu cầu Kosovo và Serbia trước hết phải giải quyết những khác biệt và thực hiện kế hoạch 10 điểm do EU đưa ra hồi tháng 2 nhằm chấm dứt nhiều tháng khủng hoảng.
EU và Mỹ đang gây áp lực buộc Kosovo phải cho phép thành lập Hiệp hội các đô thị có đa số người Serbia để điều phối công việc về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, quy hoạch đất đai và phát triển kinh tế trong các cộng đồng phía Bắc Kosovo, nơi có hầu hết người dân tộc Serbia sinh sống.
Song Pristina lo ngại một hiệp hội như vậy sẽ dẫn tới việc tạo ra một tiểu quốc Serbia với quyền tự chủ rộng rãi.
EU đã đình chỉ tài trợ một số dự án ở Kosovo và tạm dừng các chuyến thăm của các nhà ngoại giao hàng đầu vào tháng 7 vì vấn đề này.
Kosovo đã kêu gọi châu Âu trừng phạt Serbia sau vụ tấn công ngày 24-9, đồng thời khẳng định không thể tổ chức thêm cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ nào nữa. Kosovo cũng đề nghị các nước phương Tây có biện pháp an ninh cao hơn để ngăn chặn sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng quân sự Serbia dọc biên giới của nước này.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) đã tăng thêm 200 binh sĩ từ Anh và hơn 100 binh sĩ từ Romania vào Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (KFOR), vốn có quân số 4.500 người.
Cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ Kosovo-Serbia gần đây nhất diễn ra vào giữa tháng 9, trước khi bùng phát căng thẳng ở miền Bắc Kosovo. Hiện chưa rõ khi nào một vòng đàm phán khác có thể diễn ra.