Nghệ sĩ Như Quỳnh: “Làm phim nào, vào vai gì cũng đều phải cố gắng”
Trải qua rất nhiều vai diễn, để lại dấu ấn khó quên trong lòng công chúng yêu điện ảnh nhưng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Như Quỳnh ở tuổi gần 70 vẫn nặng lòng với nghiệp diễn, trăn trở với từng vai diễn của mình. Bà đã dành cho Hànộimới Cuối tuần cuộc trò chuyện sau vai diễn trong phim điện ảnh “Chạm vào hạnh phúc”.
- Thưa NSND Như Quỳnh, trong phim điện ảnh “Chạm vào hạnh phúc”, nhân vật bà Lụa của bà không có nhiều đất diễn nhưng vẫn thể hiện được hình ảnh một người mẹ ở tuổi xế chiều đầy trăn trở vì con cái...
- Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với đạo diễn trẻ Mai Long. Ban đầu tôi chưa yên tâm lắm về cấu trúc kịch bản. Tuy vậy, tôi nhận thấy đây là bộ phim thuần Việt, từ bối cảnh cho đến hình ảnh những người dân chân chất, cuộc sống mưu sinh vô cùng khó khăn… mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Tôi cảm thấy cách kể chuyện của tác giả kịch bản hợp với mình nên đã nhận lời. Đất diễn cho nhân vật bà Lụa trong phim rất ít, thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt luôn sống vì con, cụ thể trong phim là cô con gái đã “quá lứa lỡ thì”. Khi chồng mất, bà ở vậy nuôi con. Tôi thấy ở bà Lụa có những đức tính quý giá của người phụ nữ Việt Nam, lặng lẽ hết lòng vì con. Khi chứng kiến con gái mình gặp trắc trở trong đường tình duyên, mãi mà không tìm thấy hạnh phúc cho mình, người mẹ ấy cũng mang nỗi đau buồn, xót xa rất lớn trong lòng.
- Con người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Qua nhân vật bà Lụa, nghệ sĩ Như Quỳnh có suy nghĩ về hạnh phúc như thế nào?
- Khi chứng kiến con gái chưa tìm được người đàn ông có thể lấy làm chồng, trong khi luôn nhớ về mối tình đầu thì bà Lụa cảm thấy vừa xót con, vừa thương và cảm phục sự chung tình của con gái. Tôi nghĩ rằng đó là một điều thú vị. Tôi cảm thấy với cuộc sống, sự cô đơn của hai mẹ con bà Lụa thì khán giả sẽ thấy thương, đồng cảm. Tôi nghĩ nhân vật này vẫn có thể đi sâu khai thác hơn nữa, để khán giả thấy được rằng: Người phụ nữ Việt Nam luôn bao dung, sống vì con cái, vì gia đình. Đó là hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù không có người đàn ông bên cạnh, phải sống trong sự cô đơn, dường như hạnh phúc của bà là được chăm sóc cho con gái của mình. Ở một góc độ nào đấy, “Chạm vào hạnh phúc” cũng có thể là khi bạn sống vì người khác, được chăm lo cho người mình thương yêu.
- Qua những vai diễn của bà trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình gần đây, như “Hương vị tình thân” (vai bà Dần), “Hành trình công lý” (vai bà Giang)..., bà có cho rằng những người phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng có những nỗi cô đơn, thiệt thòi nhất định?
- Thường là như thế, mà như thế thì đưa lên phim mới hay! Còn nếu xung quanh mọi thứ đủ đầy, thoải mái thì có lẽ sẽ không thú vị. Khán giả bây giờ thường không thích các nhân vật quá bi lụy. Nỗi đau, sự mất mát, cô đơn nhiều khi thể hiện trên một nét mặt lạnh lùng, cam chịu, như là không có gì cả nhưng sâu trong cõi lòng là nỗi nhức nhối. Một giọt nước mắt rơi xuống ở một nơi vắng vẻ sẽ thú vị hơn là khi ở chỗ đông người, gào thét nức nở. Trong tương lai, tôi hy vọng mình có cơ hội hóa thân vào vai diễn dành riêng cho người phụ nữ cô đơn, phải “nuốt nước mắt vào trong”, và phải là nhân vật chính thì mới đủ để diễn đạt đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tâm lý.
- Nói như vậy có phải nghệ sĩ Như Quỳnh quá khiêm tốn hay không?
- Thời trẻ, có thể tôi đã may mắn được tham gia vào các bộ phim “Ngày lễ thánh”, “Đến hẹn lại lên”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”... với những vai diễn tuổi trẻ đầy nhựa sống nhưng cũng nhiều trắc trở trong tình yêu, công việc. Còn khi lớn tuổi, thực sự tôi cũng chưa có nhân vật nào như mong muốn. Chắc mọi người sẽ ngại khi xây dựng một nhân vật nữ luống tuổi, nhẫn nhịn chịu đựng sự cô đơn. Tôi vẫn tham gia các dự án điện ảnh, truyền hình và rất vui là khán giả còn nhớ mình nhiều lắm. Tôi tự nhủ: Làm phim nào, vào vai gì đều phải cố gắng để khán giả cảm thấy thú vị, đồng cảm. Tôi nghĩ mình vẫn còn một điều gì đó để mang đến cho khán giả.
- Điều đó cũng chứng tỏ bà vẫn “say” nghề diễn, dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm"?
- Thời của chúng tôi, sau khi học ở trường xong ai ai cũng sống chết với nghề, cũng không đi hát, không đi làm người mẫu. Có nghĩa là chúng tôi dành nhiều thời gian cho điện ảnh. Cuộc sống ngày càng phát triển, cơ hội của các bạn trẻ ngày nay cũng nhiều hơn, năng động hơn trong thế giới phẳng. Tuy vậy, nghiệp diễn sẽ bị “pha loãng”. Cái gì cũng có giá của nó nhưng tôi tin rằng, nếu anh làm nghệ thuật với sự đau đáu thì dù có thi thoảng đóng phim, vẫn có thể vào vai những nhân vật có sức nặng. Còn tôi, mỗi vai diễn đều rất áp lực. Dù là điện ảnh hay truyền hình thì nhà sản xuất, đạo diễn và cả khán giả luôn đòi hỏi cao. Để vào vai, tôi luôn phải cập nhật thông tin, xem phim, dành thời gian đọc sách, có như vậy thì mới có thể tiếp tục với nghề diễn.
- Trân trọng cảm ơn NSND Như Quỳnh!