Triển khai dịch vụ công hướng tới loại bỏ “sim rác”
Sáng 21-10, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06 (Bộ Công an) đã tổ chức buổi ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên 8 nội dung.
Trong đó có các nội dung hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công/dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ của bưu điện; hợp tác triển khai mô hình sàn giao dịch nông sản, đồng thời, chia sẻ thông tin, truyền thông đến người dân để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, sản vật địa phương.
Bên cạnh đó, 2 bên còn phối hợp triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu qua dịch vụ bưu chính công ích; 2 bên nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của Bưu điện Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác của C06...
Lãnh đạo C06 đề nghị, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai 100% các điểm bưu chính trên toàn quốc bố trí người hướng dẫn thực hiện dịch vụ công, bắt đầu thực hiện từ tháng 11-2023. Theo C06, để minh bạch trong thị trường bất động sản, cần thiết phải định danh được số nhà và triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giao dịch; việc này sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới. Sau 1 năm 9 tháng triển khai Đề án 06, đến nay, các dữ liệu nền tảng cho chuyển đổi số được bổ sung, hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, góp phần bổ sung và làm giàu dữ liệu hơn 84,3 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử.
Đặc biệt, lần đầu tiên, Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia, đến nay đã thu nhận trên 64 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID), kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh thực hiện với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, đặc biệt, 2 dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí đã được Chính phủ công bố triển khai trên toàn quốc từ ngày 10-7.
Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, đồng thời, tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỷ đồng.
Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh. Điển hình như xác thực, làm sạch, bảo đảm chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt (đến nay đã có 38/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho hơn 236.000 người với số tiền hơn 323,5 tỷ đồng); xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám, chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay; xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “sim rác" hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa...