Chung tay "giữ lửa" hạnh phúc gia đình
Là một trong 12 tỉnh, thành phố trên cả nước thí điểm thực hiện bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, sau gần 5 năm tích cực triển khai (2019-2023) với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, Hà Nội đã có những kết quả tích cực.
Nhận thức và hành động của người dân trong việc giữ gìn, bồi đắp các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình người Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nâng lên rõ rệt. Những kết quả bước đầu sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để góp phần gìn giữ truyền thống người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Từ nỗ lực của mọi thành viên gia đình
Gia đình ông Nguyễn Văn Đức (tổ dân phố 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên) được nhân dân địa phương ngưỡng mộ nhờ sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó. Ông cho biết, gia đình 3 thế hệ chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ vào phương châm "người lớn gương mẫu, trẻ nhỏ noi theo". “Nhận thức bộ Tiêu chí ứng xử gia đình gồm những nội dung thiết thực, gần gũi và có tác dụng trực tiếp đến gia đình, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ. Bắt đầu là những câu chuyện nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, các hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương”, ông Đức nói.
Tương tự gia đình ông Nguyễn Văn Đức, gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy (tổ dân phố số 7, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) là một tập thể lớn với 3 thế hệ, 12 thành viên cùng chung sống. Theo bà Nguyễn Thị Vinh Quy, dù tuổi tác chênh lệch, ngành nghề công việc không ai giống ai nhưng mọi người luôn gắn kết nhau bằng chính phương châm ứng xử gói gọn trong 6 từ “tôn trọng, yêu thương, chia sẻ".
“Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, xuôi chiều, trong nhà cũng có khi xảy ra bất đồng, tranh cãi. Nhưng “người trong cuộc” tuyệt đối không được nặng lời, xúc phạm nhau. “Người ngoài cuộc” thì hết sức tránh “lửa cháy đổ thêm dầu” mà phải cố gắng đem lại hòa khí, làm nguội bớt sự nóng giận, để rồi mỗi người tự ngẫm lại mà điều chỉnh. Một gia đình văn hóa được xây bằng nỗ lực của tất cả thành viên chính là như thế!”, bà Nguyễn Thị Vinh Quy nói.
Tranh thủ sự hỗ trợ của các “tấm gương” từ cơ sở
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội từ năm 2019, nhằm củng cố các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy và gia đình ông Nguyễn Văn Đức là hai trong hàng chục nghìn gia đình văn hóa trên địa bàn Hà Nội, đã và đang lấy bộ Tiêu chí này làm “kim chỉ nam” trong việc “giữ lửa” hạnh phúc.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: “Sau đợt thí điểm đầu tiên tại 2 xã phường: Khương Trung (Thanh Xuân) và Phú Cường (Ba Vì), Hà Nội đã mở rộng thí điểm tới 5 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, làm căn cứ nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Qua gần 5 năm thí điểm và nhân rộng, bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được triển khai trên toàn thành phố với nhiều cách làm sáng tạo, như: Lồng ghép thông tin qua hội nghị, tọa đàm, liên hoan, hội thi; khai thác thế mạnh công nghệ trong tuyên truyền, vận động; sáng tạo nhiều mô hình: Gia đình trẻ, tiền hôn nhân, gia đình kiểu mẫu…, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của gia đình trong cộng đồng xã hội. Kết quả minh chứng là năm 2022, 88% trong tổng số 2.090.892 hộ gia đình toàn thành phố đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, tăng 0.5% so với năm 2019”.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả triển khai bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Vân Anh, các địa phương cần tích cực đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền, vận động, tạo sự tươi mới, hấp dẫn, thiết thực hơn để các tiêu chí ngày một thấm sâu vào đời sống. Cùng với đó, cần chú trọng tới hiệu quả bình xét gia đình văn hóa, tránh hình thức, cào bằng, ảnh hưởng tới chất lượng phong trào.
Khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức, hội đoàn thể trong vun đắp hạnh phúc gia đình, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc, cần tiếp tục xây dựng nội dung tuyến truyền thông qua những hình ảnh sinh động, trực quan, dễ hiểu; các hội thi, liên hoan với nội dung hấp dẫn; chú trọng nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các đơn vị, hội nhóm, như: Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình…
Còn theo ông Chung Văn Bình, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Bắc Từ Liêm, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các gia đình, dòng họ có truyền thống văn hóa, có nền nếp gia phong để tuyên truyền. Bởi đây thực sự là những tấm gương sáng để các gia đình khác tham khảo và học hỏi.