Điểm nóng

Xung đột Hamas - Israel: Nguy hại thông tin sai lệch trên mạng xã hội

Hoàng Linh 21/10/2023 - 06:42

Mối nguy hại ngày càng gia tăng phát sinh từ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội liên quan tới xung đột tại Dải Gaza giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel không chỉ gây ra những diễn biến bất lợi trên thực địa, mà còn có nguy cơ khiến mâu thuẫn lan rộng khắp thế giới.

gaza.jpg
Việc làm sáng tỏ sự thật về vụ nổ lớn tại Bệnh viện al-Ahli ở Gaza trở nên khó khăn vì hàng loạt tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch.

Trong động thái mới nhất có liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo mở cuộc điều tra đối với Facebook và TikTok để làm rõ các biện pháp mà các mạng này thực hiện để ngăn chặn việc lan truyền các nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch liên quan cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Trước đó, Ủy viên phụ trách quản lý thị trường công nghệ EU Thierry Breton từng cảnh báo, các công ty chủ quản mạng xã hội cần chú ý hơn tới các biện pháp ngăn chặn nội dung bất hợp pháp liên quan đến xung đột Hamas - Israel. Quan chức này nêu những quan ngại về việc thông tin sai sự thực về sự kiện này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận EU, làm gia tăng sự kỳ thị trong một số cộng đồng, gieo rắc bất ổn xã hội.

Thực tế cho thấy, những thông tin sai lệch đã gây ra tác động sâu rộng kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng nổ. Điển hình, trong khi các nhà điều tra vẫn đang chắp ghép một bức tranh đầy đủ về vụ nổ lớn tại Bệnh viện al-Ahli ở Gaza đêm 17-10 (giờ địa phương), hàng loạt tài khoản mạng xã hội từ khi thảm kịch xảy ra đã phát tán thông tin chưa được xác minh, video cũ, thậm chí là những lời kể của nhân chứng không có thật.

Tương tự, trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), một tài khoản tự xưng là nhà báo tại Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã tuyên bố có bằng chứng và nhân chứng cho thấy bệnh viện đã bị trúng tên lửa của Hamas. Ngay lập tức, Al Jazeera lên tiếng bác bỏ, tuyên bố họ không có nhà báo như vậy. Tài khoản này bị xóa, nhưng những thông tin đăng tải đã nhanh chóng được chia sẻ bởi các tài khoản khác, vượt xa khỏi khu vực Trung Đông.

Không dừng lại ở đó, hàng loạt video giả trên TikTok những ngày qua thu hút hàng triệu lượt xem, như video giả về hành vi sát hại trẻ em tại Dải Gaza sau đó được xác định là cảnh hậu trường trong bộ phim ngắn mang tên Empty Place được phát hành trên YouTube năm ngoái, hay video về các tay súng sử dụng tên lửa vác vai hạ gục trực thăng đã được phát hiện chỉ là đoạn phim ngắn trong trò chơi điện tử Arma 3.

Tại Việt Nam, không khó để bắt gặp các video TikTok với thông tin kích động, như việc Israel tuyên bố sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân với các nước can thiệp xung đột, hay Campuchia “tuyên chiến” với Hamas nếu lực lượng này không trả con tin…

Dù là sản phẩm của sự vô tình hay cố ý, việc lan tỏa thông tin vô căn cứ, mà xung đột Hamas - Israel mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", đã thổi bùng nhiều suy đoán, nghi ngờ và phẫn nộ, thậm chí là hành vi trả thù những người vô tội trên khắp thế giới. Nó cũng khiến việc tìm hiểu nguyên nhân đích thực của các sự việc trở nên khó khăn hơn. "Dường như có một làn sóng thông tin sai lệch trong một thời gian ngắn, tác động đến hoạt động ngoại giao quanh cuộc xung đột, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình, một số trong đó có khả năng dẫn đến bạo lực", Đài NPR (Mỹ) dẫn lời Daniel Silverman, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Carnegie Mellon.

Để ứng phó, các mạng xã hội lớn đã có những giải pháp riêng. Meta đã thiết lập trung tâm đặc biệt bao gồm đội ngũ các chuyên gia, trong đó có những người thông thạo cả tiếng Do Thái và Ả Rập nhằm theo dõi chặt chẽ và ứng phó tình hình. Các nền tảng của công ty từ cuối tuần này cũng hạn chế "những bình luận có thể không được chào đón hoặc không mong muốn" trên các bài đăng liên quan tình hình tại Dải Gaza, thông qua việc thay đổi chế độ cài đặt mặc định đối với những người dùng trực tiếp có mặt tại vùng chiến sự. Theo đó, chỉ những người là bạn bè hoặc người theo dõi họ mới có thể bình luận trong bài đăng. Về phần mình, Tiktok và X đều cho biết, đã gỡ bỏ hoặc gắn nhãn cảnh báo hàng chục nghìn nội dung, đồng thời xóa hàng trăm tài khoản truyền bá thông tin sai lệch liên quan tới cuộc xung đột Hamas - Israel…

Tương tự như những gì đã xảy ra với các sự kiện chính trị - xã hội lớn trên toàn cầu trước đây, việc dập tắt những làn sóng thông tin sai lệch bùng nổ liên quan tới điểm nóng mới tại Trung Đông đòi hỏi có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Dĩ nhiên, sự tỉnh táo, chủ động tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông uy tín và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bấm nút “chia sẻ” của người tham gia mạng xã hội vẫn hết sức quan trọng.