Bất động sản

Thị trường bất động sản Hà Nội: Vẫn còn những điểm sáng

Dạ Khánh 21/10/2023 - 06:15

Thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, trong 9 tháng qua, vẫn chưa thể “khởi sắc”. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có những động thái quyết liệt để hỗ trợ nhưng nguồn cung mới và lượng giao dịch vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong bức tranh thị trường bất động sản Hà Nội ở giai đoạn hiện tại, các chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, còn có những tiềm năng là điểm sáng của thị trường.

bds.jpg
Khu đô thị Starlake (quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyễn Quang

Còn những khu vực tiềm năng

Chia sẻ về đặc điểm đáng chú ý của thị trường bất động sản Hà Nội trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho hay, thị trường vẫn có những khu vực tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng về giá khá tốt. Các khu vực này đều tập trung ở vùng ven với những dự án khu đô thị lớn, được đầu tư bài bản. "Phân khúc nhà thấp tầng, từ mức giá trung bình 100 triệu đồng/m2 năm 2018 đã tăng lên 214 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Đông Hà Nội; tăng lên 226 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Tây; 244 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Bắc và 186 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Nam. Trong đó, Khu đô thị Ciputra đã tăng giá 24%/năm, Khu đô thị Starlake tăng 33%/năm, Vinhomes Riverside tăng 32%/năm, Mailand Hanoi City tăng 29%/năm, ParkCity tăng 23%/năm, The Manor Central Park tăng 13%/năm, Gamuda City tăng 27%/năm, Vinhomes Ocean Park Gia Lâm tăng 24%/năm…", ông Nguyễn Quốc Anh dẫn chứng.

Theo các đơn vị tư vấn đầu tư, nghiên cứu bất động sản, phía Tây và phía Đông thành phố vẫn là những nơi được quan tâm nhiều nhất. Nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, khu vực phía Tây luôn dẫn đầu về tỷ lệ nguồn cung từ năm 2011 đến nay. Còn khu vực phía Đông trong những năm gần đây cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.

Theo Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội Nguyễn Hoài An, nguồn cung chung cư, nhà ở thấp tầng tại Hà Nội thời gian gần đây đang tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây, Đông và phía Bắc. Trong quý III-2023, phía Tây tiếp tục dẫn đầu về số căn hộ chung cư mở bán với gần 62% tổng nguồn cung, còn lại là các dự án ở khu vực phía Đông.

Bên cạnh đó, việc các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận trong giai đoạn 2023-2025 cũng là nhân tố khiến bất động sản khu vực vùng ven bùng nổ và có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Cạnh tranh giữa các khu vực

So sánh tiềm năng giữa các khu vực trong tương lai, các chuyên gia bất động sản cho rằng, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Đây cũng là nơi đang hiện hữu nhiều khu đô thị lớn đã hình thành. Hạ tầng giao thông mở rộng gồm các cầu: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương,... cùng đường Vành đai 2, Vành đai 3 và quy hoạch dự kiến tuyến metro 1, metro 8 sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình kết nối phía Đông với trung tâm Hà Nội.

Phía Tây lại có những tiềm năng nhất định khi nhiều đô thị vệ tinh theo quy hoạch sẽ hình thành như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch trường đại học về phía Tây và quy hoạch tuyến metro 5 về Hòa Lạc cũng sẽ kích thích thị trường bất động sản tại khu vực này.

Phía Nam cũng có những lợi thế riêng khi là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố. Nơi đây cũng hưởng lợi từ hệ thống đường vành đai hình thành trong tương lai. Thêm nữa, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, đô thị trung tâm Hà Nội sẽ được mở rộng về phía Nam.

Trong khi đó, phía Bắc hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, 3; các cây cầu: Nhật Tân, Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... Đây cũng là nơi mà theo quy hoạch sẽ tập trung nhiều khu đô thị lớn. Trong đó đáng chú ý, Sóc Sơn dự kiến là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Batdongsan. com.vn Nguyễn Quốc Anh, thời gian tới, phía Bắc và phía Đông Hà Nội được kỳ vọng là hai khu vực tiềm năng nhất của thị trường bất động sản Hà Nội. Theo kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn mới đây, có 31,7% người môi giới bất động sản tham gia khảo sát cho rằng, phía Bắc (huyện Đông Anh, Mê Linh) sẽ là nơi đón sóng bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung, giao dịch trong tương lai. Tiếp đó là phía Đông (huyện Gia Lâm) với tỷ lệ 29,8%. Theo sau là phía Nam (quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì) với 14,9% và phía Tây (huyện Hoài Đức, Đan Phượng) với 12,5%. Nhờ nền tảng đầu tư từ trước, khu vực phía Tây đang có hạ tầng đô thị, giao thông phát triển hơn phía Đông, được cho rằng sẽ là khu vực phù hợp với những người có mong muốn mua nhà, dọn đến ở ngay. Còn phía Đông được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư, bởi giá bán căn hộ tại đây đang thấp hơn những nơi khác.

Còn Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định, phía Tây Hà Nội vẫn sẽ là tâm điểm phát triển trong thời gian sắp tới, theo hướng tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan. Trong khi đó, đại đô thị phía Đông có khả năng kéo nguồn cầu do nơi đây còn nhiều dự án đang xây dựng... Thời gian tới, nguồn cung mới tại khu vực phía Đông và phía Tây sẽ chiếm 40% thị phần căn hộ. Với hạng mục nhà thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề), phía Bắc sẽ là khu vực chiếm sóng ưu thế...