Phấn đấu giải ngân 44.000 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm
Ngày 20-10, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: Vốn đầu tư công của thành phố năm 2023 lớn hơn năm 2022, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư công cả nước (cả nước 720.000 tỷ đồng). Ngay từ đầu năm, thành phố đã quan tâm công tác đầu tư công. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công 2023 triển khai còn chậm, tốc độ giải ngân và tiến độ chưa đạt.
Thành phố phân thành 3 nhóm dự án: Nhóm sẽ hoàn thành trong năm nay (khoảng 1.500 dự án); nhóm có thể hoàn thành nếu có tác động đột phá (khoảng 300 dự án); nhóm gặp khó khăn, phần lớn là dự án lớn (222 dự án).
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng là một trong những dự án lớn gặp nhiều vướng mắc ở cấp thành phố. Tuy nhiên, thẩm quyền thành phố không thể tự giải quyết được mà phải báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các cấp, các ngành, chủ đầu tư và người đứng đầu nêu cao quyết tâm, nỗ lực, cố gắng để kịp thời chuẩn bị cho các kế hoạch tiếp theo, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, Kho bạc Nhà nước thành phố đã chuyển giao số vốn hơn 68.000 tỷ đồng (trong tổng số hơn 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư được giao). Từ nay đến cuối năm, thành phố phải giải ngân 44.000 tỷ đồng.
Đối với 156 dự án đã được HĐND thành phố quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố báo cáo cụ thể về tỷ lệ giải ngân các dự án này, từ đó đánh giá hiệu quả việc lập thẩm định, đề xuất chủ trương dự án, bố trí vốn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lệ, một trong những nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) tạo cơ chế thu hồi đất một số dự án, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân như đề ra đầu năm, nhưng nếu không được 95% thì không được thấp hơn 80%. UBND thành phố đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất các nội dung như: Tập trung giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tái định cư; ủng hộ phương án lập vốn cho dự án chống ngập, năm nay bố trí 5.700 tỷ đồng để thanh toán dự án này; nghiên cứu cách thức đẩy nhanh việc ra chủ trương đầu tư phân bổ vốn...
Về vấn đề điều chuyển bổ sung vốn đầu tư, UBND thành phố đã chỉ đạo hai cấp độ là điều chuyển trong chủ đầu tư và điều chuyển giữa các chủ đầu tư với nhau. Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, nếu có điều kiện giải ngân vốn ngay trong năm thì có thể đăng ký và bổ sung để UBND thành phố trình HĐND thành phố trong các kỳ họp tới. Thành phố không giới hạn số dự án nhưng xem xét có cấp thiết hay không, nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung.
Đối với khoản 27.000 tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng năm nay (thời hạn đến 31-12 phải tập trung tất cả thủ tục để giải ngân), lãnh đạo thành phố yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ban bồi thường giải phóng mặt bằng để tiếp nhận nguồn vốn, căn cứ vào khả năng giải ngân của mình, phấn đấu để giải ngân cao nhất.
“UBND thành phố sẽ theo sát các dự án, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xử lý trách nhiệm tập thể và các cá nhân, hạ thi đua trong từng quý nếu không hoàn thành nhiệm vụ”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.