Nông nghiệp

Thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp tham gia OCOP

Nguyễn Mai 20/10/2023 - 07:57

Thời gian qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, thành phố có 132 hợp tác xã nông nghiệp với 448 sản phẩm được công nhận OCOP; 100% hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy các hợp tác xã tham gia vào chương trình này.

goi-rau.jpg
Đóng gói rau tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).

Nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm

Theo Giám đốc Hợp tác xã Bưởi sạch và Kinh doanh tổng hợp Phú Cường (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Tuấn, năm 2018, hợp tác xã được thành lập, với hơn 60 xã viên. Hợp tác xã chuyên trồng bưởi Diễn và một số giống bưởi chín sớm để thu hoạch rải vụ. Với quy trình canh tác VietGAP, bưởi của hợp tác xã đã được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao.

“Thời gian qua, do nhiều nơi mở rộng diện tích trồng nên quả bưởi bị “rớt giá”. Song, bưởi của hợp tác xã vẫn bán với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/quả. Để có được giá ổn định này là do hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một trong 4 hợp tác xã tiêu biểu của thành phố Hà Nội đã chuyển đổi số trong sản xuất. Hiện tại, hợp tác xã có hàng chục sản phẩm được chứng nhận OCOP. Sản phẩm của hợp tác xã cũng tham gia vào chuỗi liên kết với các bếp ăn tập thể của bệnh viện, trường học và siêu thị trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 22% số sản phẩm này của cả nước. Đáng chú ý, có 153 hợp tác xã, trong đó có 132 hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Điều đó cho thấy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã và đang có đóng góp rất tích cực cho mục tiêu Chương trình OCOP của Hà Nội.

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, hằng năm, Đoàn kiểm tra của thành phố đều kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận. Thành phố Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, khai trương được 85 điểm bán sản phẩm OCOP.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những lợi thế, tham gia vào Chương trình OCOP, các hợp tác xã gặp không ít khó khăn. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, năng lực, trình độ lãnh đạo quản lý của hợp tác xã còn thấp, chủ yếu điều hành bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản. Đặc biệt, các hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.

Đa số các hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ. Các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi chưa nhiều. Sản phẩm của các hợp tác xã chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến. Nhiều chủ thể chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bao bì, nhãn mác.

Những khó khăn của các hợp tác xã nông nghiệp đã tác động không nhỏ tới việc phát triển sản phẩm OCOP. Vì vậy, tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP” do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã còn rất lớn. Toàn thành phố hiện có hơn 1.100 hợp tác xã đang hoạt động, có nguồn sản phẩm tiềm năng đạt sao OCOP. Còn theo Tiến sĩ Ninh Đức Hùng, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hợp tác xã cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cả trong sản xuất, chế biến lẫn thương mại để mang lại hiệu quả cao hơn…

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng cho rằng, Sở NN&PTNT Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả; chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần phát huy vai trò quan trọng trong kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng.