Thông tin công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ sáu
Tại kỳ họp thứ sáu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thông tin công khai để cử tri, nhân dân biết và theo dõi.
Chiều 19-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo tóm tắt chương trình kỳ họp thứ sáu, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, kỳ họp khai mạc vào ngày 23-10-2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28-11-2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội).
Kỳ họp thứ sáu được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày), từ ngày 23-10 đến 10-11-2023; đợt 2 (7 ngày) từ ngày 20-11 đến 28-11-2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Kỳ họp cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Thông tin về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đầy đủ báo cáo kê khai tài sản của tất cả người được lấy phiếu tín nhiệm, theo quy định đã gửi đến các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp 20 ngày.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết để cử tri, nhân dân biết và theo dõi.
Trả lời về việc Quốc hội bố trí việc lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp thứ sáu, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đánh giá cán bộ là việc làm suốt từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp là điều rất bình thường. Bên cạnh đó, những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1-1-2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Về danh sách rà soát người lấy phiếu tín nhiệm, từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã phê chuẩn và bầu 50 chức danh. Đến thời điểm này, còn 49 vị trí đang giữ các chức vụ. Các chức danh không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm gồm những người đã có thông báo chờ nghỉ hưu và những người được bầu, bổ nhiệm trong năm 2023. Toàn bộ danh sách lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội phê chuẩn chính thức vào ngày 24-10 (ngày thứ 2 của kỳ họp).
Trả lời thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, 5 chức danh được bầu và phê chuẩn từ ngày 1-1-2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.