Hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN
Ngày 19-10, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo: “Giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN”.
Đáp ứng tốt trình độ chuyên sâu
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại diện đến từ các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ cho biết họ đã làm chủ và thực hiện tốt nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu trong khám, điều trị nhiều loại bệnh vốn lâu nay bị coi là khó chữa trị.
Đơn cử, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng vương cho hay, một trong những tiến bộ của ngành Y học trong hỗ trợ sinh sản phải kể đến kỹ thuật Micro-TESE hay còn gọi là vi phẫu thuật tinh hoàn, giúp rất nhiều người chồng vô tinh có thể trích xuất được tinh trùng, từ đó làm thụ tinh trong ống nghiệm để có thể làm cha.
Chia sẻ về điều trị bệnh đột quỵ, Bác sĩ CKII Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 thông tin, hiện nay, bệnh viện đang thực hiện những kỹ thuật điều trị đột quỵ hiện đại như tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch; tiêu sợi huyết qua đường động mạch; lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học... Bên cạnh đó, trong quá trình cứu chữa bệnh nhân đột quỵ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đem đến những hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, bệnh viện còn triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Công nghệ này hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị đột quỵ và cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ.
Theo đó, bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng (từ 6 - 24 giờ), phần mềm RAPID có thể giúp chọn 56% bệnh nhân được can thiệp nội mạch. Kết quả, có hơn 51% người bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường. Đến nay, kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối nhờ phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID đã chữa trị thành công cho gần 800 bệnh nhân.
Còn Bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, các bệnh viện tuyến thành phố cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm; chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kỹ thuật nội soi dạ dày cầm máu...
"Các bệnh viện trên địa bàn đã và đang được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, được chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến để điều trị các ca bệnh khó, phức tạp và đều ghi dấu ấn thành công bước đầu", bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga thông tin.
Thành phố Hồ Chí Minh đi trước…
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã và đang xây dựng, triển khai 11 dự án y tế trên địa bàn, như: Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030; phát triển sức khỏe cộng đồng nhằm bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2030; phát triển y tế chuyên sâu đến năm 2025 và những năm tiếp theo; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo...
Hiện Sở Y tế đã đề xuất lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phân cụm hệ thống y tế thành 3 cụm khi xây dựng đề án trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ khu vực ASEAN.
Theo đó, cụm y tế trung tâm gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối hiện hữu các quận trung tâm, giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế chuyên sâu; cụm y tế Tân Kiên đang trên lộ trình hiện thực hoá thành những cơ sở y tế chuyên sâu với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến trong tương lai không xa giữ vai trò chủ lực trong phát triển y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là cụm y tế Thủ Đức đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, phát triển y tế vùng Đông Nam bộ.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), để mục tiêu trên sớm thành hiện thực, thành phố Hồ Chí Minh cần triển khai 5 nhóm giải pháp, gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiệm cận trình độ quốc tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại cho ngành Y tế; tìm hướng đột phá chuyên sâu y tế; thực hiện chuyển đổi số cho ngành và góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật cho ngành Y tế.
“Cùng với đó, cần đưa ra cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản trị và chất lượng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Góp ý bổ sung các giải pháp từ một góc nhìn riêng, PGS.TS Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho hay, ngành Y tế thành phố cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam để chăm sóc sức khoẻ; quảng bá các dịch vụ y tế và chất lượng chăm sóc sức khoẻ của Việt Nam đến khách du lịch quốc tế.
Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, đồng chủ trì hội thảo nhận định: Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là trung tâm liên kết kinh tế, văn hóa, chính trị của Nam Bộ, nay tiếp tục phát huy vai trò này trong liên kết phát triển y tế. Nói cách khác, vai trò "đầu tàu" trong phát triển y tế đạt trình độ quốc tế cần đặt trong tổng thể phát triển toàn vùng, từ đó phân kỳ kế hoạch phát triển, phân định nguồn lực đầu tư để đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.