Quận Hà Đông giải quyết việc làm cho lao động qua hỗ trợ vốn vay
Sáng 19-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát tại quận Hà Đông về việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND quận đã xây dựng kế hoạch triển khai hằng năm nhằm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động toàn diện.
Năm 2020, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận đã khảo sát thông tin tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại 630 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; rà soát lao động có hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ làm cơ sở để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng việc làm do dịch Covid-19; tham gia kết nối, nắm bắt thông tin cung - cầu lao động, phiên giao dịch việc làm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, trao đổi về việc làm.
Kết quả, năm 2020 đã giải quyết việc làm cho 4.978/3.700 người, đạt 134% chỉ tiêu được giao; năm 2021, số người được giải quyết việc đạt 120% chỉ tiêu được giao; năm 2022, giải quyết việc làm 4.500/4.200 (đạt 112% chỉ tiêu được giao); 9 tháng năm 2023, giải quyết việc làm cho 4.176/4.100 (đạt 101% chỉ tiêu được giao).
Về công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động, UBND quận đã phối hợp với các phòng và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn quận. Từ năm 2021-2023, số người được đào tạo nghề tăng (40 người năm 2021 tăng lên 164 người năm 2022 và đến tháng 8 năm 2023 là 135 người).
Ngoài ra, quận Hà Đông cũng triển khai thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chi trả đầy đủ cho trên 955 học sinh, sinh viên tốt nghiệp THCS học tiếp trung cấp nghề với số tiền trên 6,1 tỷ đồng, bảo đảm đúng đối tượng theo từng học kỳ, niên độ kế toán...
Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động, những năm qua, cùng với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm phân bổ từ Trung ương và thành phố, Quận ủy, HĐND, UBND đã trích từ ngân sách chuyển sang phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong 9 tháng năm 2023, tổng số lao động được vay vốn là 6.359 người với số tiền trên 370 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay nêu trên đã giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động trong hộ người khuyết tật, hộ gia đình chính sách, người có công, hộ sản xuất tại làng nghề truyền thống, hộ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Coivid-19, các hộ kinh doanh…
Cùng với những kết quả đạt được, trên địa bàn quận cũng còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động nên những năm qua, tình trạng tranh chấp lao động liên quan đến việc làm, tiền lương, BHXH vẫn xảy ra.
Việc triển khai vay vốn, giới thiệu việc làm cho đối tượng tù tha, sau cai nghiện ma túy khó khăn do còn sự kỳ thị của người dân, doanh nghiệp; bản thân người tù tha và sau cai nghiện ma túy còn tự ti, chưa mạnh dạn hòa nhập...
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, thời gian qua, quận Hà Đông đã chú trọng, quan tâm triển khai đồng bộ các chính sách trong giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, quận đã triển khai nghiêm túc nghị quyết của HĐND thành phố về tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người lao động với nhiều sáng kiến, mô hình hỗ trợ, qua đó giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động phù hợp với thực tế của quận, được người dân tin tưởng vào cơ chế chính sách của thành phố và quận.
Đáng lưu ý, thông qua các nguồn vốn của trung ương, thành phố, quận Hà Đông cũng bố trí nguồn lực thích đáng để giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn quận cũng như các địa phương vệ tinh.
Để tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực này hiệu quả, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị, UBND quận Hà Đông tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chính sách liên quan đến công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ cơ chế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tổng hợp, tạo hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về thị trường lao động, để người dân được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, từ đó nâng cao nhận thức về giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, quận cũng cần đánh giá, phân tích sâu để rà soát lại cơ chế chính sách đối với lao động việc làm, để từ đó đề xuất giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn.