Quy hoạch

Quyết tâm rất lớn của Hà Nội

Bảo Hân (ghi) 19/10/2023 - 09:39

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được thành phố giao lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã phối hợp với Liên danh 7 đơn vị tư vấn hoàn thành dự thảo lần 1 Quy hoạch.

Nội dung định hướng chính của dự thảo vừa được đưa ra lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trao đổi với Báo Hànộimới, một số chuyên gia đã chia sẻ thông tin về quá trình thực hiện cũng như đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng đồ án Quy hoạch.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đơn vị đứng đầu liên danh 7 đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô:
Gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm

cuong.jpg

Lập Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó, lại phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Tuy nhiên, điểm thuận lợi đó là có sự quyết tâm rất lớn từ chính quyền Thành phố. Thành phố luôn đồng hành cùng với các đơn vị tư vấn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, đồng chí Phó Chủ tịch thành phố phụ trách trực tiếp phần việc này gần như song hành với đơn vị tư vấn trong từng buổi, từng ngày làm việc, từng hoạt động cụ thể; thúc đẩy các đơn vị sở, ngành, quận, huyện cùng vào cuộc.

Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 6 tới nay, Liên danh tư vấn đã hoàn thành được phương án đề xuất ban đầu, nêu được các định hướng, ý tưởng lớn cho phát triển Thủ đô.

Có một thuận lợi nữa, đó là việc lập Quy hoạch Thủ đô do Liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu. Nhiều người đã tham gia với tâm thế coi đây là cơ hội để đóng góp trí tuệ, hiểu biết, tâm tư, trăn trở của mình vào sự phát triển của Thủ đô. Mỗi người đều coi đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng là vinh dự được cống hiến để tạo ra sự kết tinh, đột phá và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì còn có những khó khăn nhất định. Vì lập Quy hoạch Thủ đô thực sự là vấn đề lớn, có nhiều yếu tố phức tạp do lần đầu thực hiện theo phương pháp tích hợp, do vậy, để Quy hoạch đạt chất lượng thì rất cần sự tham gia rộng rãi của nhiều tổ chức, người dân. Đặc biệt, những người thực hiện phải biết gạt bỏ những yếu tố ràng buộc vì lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm mà phải đứng trên góc độ lợi ích toàn cục, vì sự phát triển của Thủ đô, bộ mặt, hình ảnh của cả quốc gia.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội:
Cách tiếp cận mới hạn chế nhiều rủi ro

tran-huy.jpg

Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là lần đầu tiên Hà Nội cũng như cả nước làm quy hoạch tích hợp đa ngành theo Luật Quy hoạch 2017, đòi hỏi phải tập trung trí tuệ của cả xã hội.

Do đó, việc Thành phố tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa ra luận cứ khoa học, những ý kiến đóng góp để xây dựng Quy hoạch Thủ đô.

Đặc biệt, Thành phố đã tổ chức hội nghị khoa học, tham vấn ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm xây dựng kịch bản phát triển toàn diện cho Thủ đô. Đây là cách tiếp cận cần thiết. Sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường đại học là vô cùng quan trọng bởi đây là nơi tập trung trí tuệ của xã hội, tích lũy kiến thức thực tiễn lẫn nghiên cứu khoa học.

Các đơn vị lập và tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô sẽ tập hợp, chọn lựa được những ý tưởng có tính thực tiễn, tiến bộ, có tính khách quan, khoa học, tính xã hội, hạn chế sự áp đặt chủ quan dẫn đến những rủi ro trong quá trình thực hiện Quy hoạch sau này.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân:
Cần đổi mới mô hình tăng trưởng của Hà Nội

son.jpg

Theo ý tưởng về phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, có thể nhận thấy mô hình tăng trưởng hiện nay của Thành phố đã đến mức giới hạn. Để Hà Nội tiếp tục tăng trưởng cao, thể hiện vai trò dẫn dắt trong tương lai, Thành phố cần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mô hình tăng trưởng của Hà Nội trong thời gian tới cần dựa vào những trụ cột chính như khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào kinh tế số và nền tảng phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là cần dựa vào việc nâng cao chất lượng thể chế quản trị, một trong những khâu đột phá trong định hướng Quy hoạch Thủ đô được đưa ra khiến tôi ấn tượng.

Thể chế quản trị cần đặc biệt chú trọng tới các quy định đặc thù vượt trội trong Luật Thủ đô, chất lượng của bộ máy hành chính công và các khía cạnh như Nhà nước pháp quyền, tiếng nói và trách nhiệm giải trình… Thể chế tốt sẽ dẫn đến thuận lợi trong thực hiện các đột phá tiếp theo như thu hút nguồn nhân lực, nhân tài chất lượng cao; thu hút nguồn vốn đầu tư cho kết nối hạ tầng vùng Thủ đô, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ khác…

Việc Ban soạn thảo bổ sung khâu đột phá về các vấn đề môi trường cũng là rất phù hợp bởi các vấn đề môi trường tại Thủ đô đã và đang được quan tâm đặc biệt. Việc đầu tư hạ tầng môi trường rất quan trọng, đặc biệt là các ngành công nghiệp môi trường. Đây cũng là điều được các nước trên thế giới phát triển với xu hướng sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý các vấn đề về môi trường.