Cần ngăn chặn xả thải xuống kênh Như Quỳnh
Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử vừa qua, gần đây nhất là các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 4 trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, người dân xã Dương Quang (huyện Gia Lâm) đều nêu ý kiến về tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng của tuyến kênh Như Quỳnh (còn gọi là kênh Dài hay kênh Bắc Hưng Hải), đoạn chảy qua địa bàn.
Tuyến kênh Như Quỳnh bắt nguồn từ Trạm bơm Bắc Hưng Hải qua tổ hợp cụm sản xuất công nghiệp thôn Minh Khai, xã Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và chảy qua các xã: Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi của huyện Gia Lâm vào địa phận huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Tuyến kênh lấy nước từ sông Bắc Hưng Hải để tưới tiêu cho toàn bộ khu vực hai bên lưu vực nó chảy qua.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân xã Dương Quang, tuyến kênh quan trọng này thường xuyên là nơi xả rác, nước thải từ hoạt động sản xuất của các cơ sở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nguồn nước không bảo đảm an toàn để sản xuất nông nghiệp. Đáng tiếc là tình trạng này đã kéo dài từ năm 2015, đến nay đã hơn 8 năm, nhưng không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Đây là vấn đề tồn đọng gây bức xúc và tiềm ẩn những ảnh hưởng đối với môi trường, sức khỏe con người...
Để giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là phải có sự vào cuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải như thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương... Tình trạng ô nhiễm môi trường tuyến kênh Như Quỳnh cần được giải quyết trong tổng thể tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, bởi nhiều khu vực trên tuyến kênh này đang dần trở thành dòng kênh chết với hàng trăm điểm xả nước thải.
Tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ và địa phương liên quan đến công tác quản lý hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất giải quyết tình trạng ô nhiễm tại đây, không đùn đẩy trách nhiệm.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chủ trì, điều phối giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi này. Về vấn đề này, 6 nhóm giải pháp cũng đã được đưa ra. Đáng chú ý là yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm xả thải; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trước khi thải ra hệ thống thủy lợi này...
Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, phân công, làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan. Nhưng giải pháp mấu chốt để khắc phục tình trạng này vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Đó là ngăn chặn các nguồn xả rác, nước thải xuống kênh.
Để ngăn chặn ô nhiễm môi trường kênh Như Quỳnh hay hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cần có nguồn lực đầu tư. Song, lời giải quan trọng hơn chính là trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với sức khỏe của người dân, với môi trường sinh thái.
Chừng nào tình trạng ô nhiễm dòng kênh này chưa được giải quyết, chừng đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy. Có thể xem đây là ví dụ "điển hình" cho việc đánh đổi môi trường sống lấy lợi ích kinh tế trước mắt và vì vậy cần khắc phục ngay.