Nâng cao trách nhiệm cứu hộ động vật quý hiếm
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Sở NN&PTNT Hà Nội) thường xuyên quá tải vì phải tiếp nhận cứu hộ số lượng lớn động vật rừng từ các tổ chức, cá nhân chuyển đến.
Khối lượng công việc lớn, áp lực công việc nhiều nhưng cán bộ, công nhân viên làm việc tại trung tâm luôn nâng cao trách nhiệm, chăm sóc, cứu hộ thành công nhiều động vật rừng quý, hiếm.
Đến thăm Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), chúng tôi nhận thấy hệ thống chuồng trại được xây dựng khoa học, phù hợp môi trường sống của từng loài. Trước cửa chuồng nuôi đều gắn bảng nội dung ghi rõ tên, đặc điểm của mỗi loài. Nơi đây thực sự là “ngôi nhà chung” bảo vệ an toàn cho hàng trăm cá thể động vật rừng. Các động vật được chuyển về trung tâm đều được bác sĩ theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.
Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng khẳng định, môi trường nuôi dưỡng, bảo tồn tốt tại trung tâm đã và đang giúp nhiều loài động vật rừng quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh đó, trung tâm còn bố trí phòng chăm sóc đặc biệt, trang bị điều hòa, quạt mát dành cho những cá thể động vật bị tổn thương khi được cứu hộ hoặc bị bệnh nặng cần điều trị tích cực. Ngoài ra, những cá thể động vật nuôi nhốt lâu ngày bị mất tập tính hoang dã, hạn chế chức năng vận động cũng được trung tâm chuyển vào khu phục hồi chức năng.
Trung tâm có những phương pháp phục hồi tập tính và chức năng vận động, sau đó thả vào khu bán hoang dã một thời gian để động vật thích nghi dần rồi mới đưa về môi trường tự nhiên. “Nói thì đơn giản vậy thôi, nhưng thực tế công việc chăm sóc động vật hoang dã đòi hỏi sự cẩn thận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên. Bởi khi mới tiếp nhận, động vật hoang dã rất hung dữ, sẵn sàng tấn công người. Do đó, phải có sự yêu nghề mới trụ vững”, bác sĩ Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ.
Theo thống kê, trong 9 tháng của năm 2023, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận cứu hộ 78 vụ với 904 cá thể động vật hoang dã và 114,5kg rắn các loại, tăng 16% so cùng kỳ 2022. Đặc biệt, trong tháng 6, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên cứu hộ thành công 6 con hổ do một hộ dân nuôi nhốt gần 20 năm. Hiện nay, những con hổ này đã ổn định sức khỏe, thích nghi được môi trường mới tại trung tâm.
Cùng với công tác cứu hộ, trung tâm cũng làm tốt công tác bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao thuộc phụ lục I, nhóm IB, nhóm IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, như: Hổ, tê tê java, hạc cổ trắng, rùa đầu to, rắn hổ mang chúa...
Để giảm sự quá tải cho trung tâm, những động vật sau phục hồi đều được sàng lọc, tái thả về tự nhiên. Trong đó, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tái thả 3 đợt với 273 cá thể động vật hoang dã và 72,8kg rắn các loại về Vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Mặc dù là “ngôi nhà chung” của nhiều loài động vật rừng, nhưng diện tích của trung tâm hiện rất chật hẹp, ảnh hưởng lớn đến công tác tiếp nhận, cứu hộ động vật hoang dã. Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh trăn trở: “Trung tâm chỉ có khoảng 10.000m2 nhưng số lượng động vật đưa về cứu hộ hằng năm tăng 15-20% nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã theo hướng chuyên môn hóa vẫn chưa đạt yêu cầu. Cũng vì hạn chế này mà trung tâm nhiều lần phải từ chối tiếp nhận cứu hộ hàng trăm động vật hoang dã khác do các tổ chức, cá nhân liên hệ chuyển giao”.
Do vậy, để bảo vệ tốt động vật hoang dã, đồng thời giảm áp lực cứu hộ cho trung tâm, ông Nguyễn Đức Minh kiến nghị thành phố Hà Nội sớm đầu tư mở rộng Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp động vật hoang dã. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen sử dụng trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm chế biến, chế tác từ động vật hoang dã…