Gỡ “nút thắt”, khơi nguồn lực đất đai
Từ góc độ cơ chế, chính sách và quản lý thực tiễn, các đại biểu dự hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 18-10, đã nhận diện rõ những bất cập trong định giá đất, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách quản lý về đất đai.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung thông tin, cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản cũng diễn ra mạnh mẽ. Từ năm 2017 đến 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm hơn 30% ngân sách địa phương và là nguồn thu chính cho đầu tư công.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm toán trong thời gian qua cho thấy, việc quản lý, sử dụng đất đai đang “vướng” vào 4 vấn đề lớn. Đó là bất cập về cơ chế, chính sách chung; về quy hoạch; về quản lý sử dụng sau khi được giao, cho thuê đất và quản lý tài chính liên quan đến đất”, bà Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ.
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cũng nhìn nhận, việc quản lý và sử dụng đất còn không ít tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, đến nay, một số quy định của pháp luật về giá đất đã không còn hiệu quả trong thực tiễn và bộc lộ hạn chế. Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” gồm 3 hội thảo chuyên đề. Hội thảo chuyên đề 1 là: “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước”. Hội thảo chuyên đề 2 là: “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán”. Hội thảo chuyên đề 3 là: “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Từ thực tiễn địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái nhấn mạnh, một số bất cập chưa được giải quyết, chủ yếu do chính sách pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn nhiều điểm chưa đồng bộ, thống nhất; pháp luật đất đai có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế hiện nay, cần được nghiên cứu sửa đổi.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra về quy hoạch, đặc biệt là hiện trạng điều chỉnh quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, quy hoạch luôn là vấn đề phức tạp, khó khăn bởi tầm nhìn đưa ra mang tính lâu dài. Sau thực hiện mở rộng địa giới hành chính, công tác quy hoạch của thành phố còn nhiều tồn tại, được kỳ vọng sẽ giải quyết sau khi thành phố hoàn tất việc lập, điều chỉnh các quy hoạch lớn hiện nay.
“Các kết luận thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại, vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách. Nhiều nội dung cấp địa phương có thể tháo gỡ được, nhưng nhiều nội dung sau khi xin ý kiến các bộ, ngành cũng vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Do đó, thành phố mong muốn trung ương và các bộ, ngành tiếp tục rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách, sửa đổi các quy định của pháp luật chưa phù hợp, chưa thống nhất, góp phần giải quyết triệt để tồn tại, triệt tiêu những hạn chế đã được cơ quan kiểm toán chỉ ra”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kiến nghị.
Bên cạnh vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân thẳng thắn nêu bất cập trong khâu tổ chức thực hiện khi cùng một quy định pháp luật nơi đạt kết quả tốt, nơi thì chưa.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay, trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp tổng thể, từ đó có những chính sách, quy định pháp luật về đất đai tiến bộ, hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Trần Thành Tâm:
Nhiều vướng mắc trong xác định giá đất
Thời gian qua, thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành đã được các bộ, ngành quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong xác định giá đất. Tuy nhiên, phương pháp định giá còn nhiều vấn đề tồn tại. Các phương pháp định giá khác nhau cho ra kết quả khác nhau.
Ngoài ra, còn có sự chưa thống nhất về các chỉ tiêu tính toán trong các quy định, hướng dẫn của cơ quan thanh tra, kiểm toán, các địa phương và bộ, ngành. Một số chỉ tiêu tính toán trong các phương pháp xác định giá đất còn định tính, chưa định lượng, dẫn đến khó thực hiện.
Những bất cập nêu trên ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách còn do cơ sở dữ liệu giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố chưa đầy đủ; tính minh bạch của thị trường chưa bảo đảm và một số khó khăn, vướng mắc trong lựa chọn các đơn vị tư vấn, thẩm định viên có chất lượng.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu:
Cần kiểm toán, đánh giá hiệu quả sử dụng đất công
Hiệp hội nhận thấy, cơ chế, chính sách “tài chính đất đai, giá đất”, đặc biệt là “xác định giá đất”, “quyết định giá đất” để “tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” các dự án đầu tư, kinh doanh có sử dụng đất, dự án nhà ở thương mại, khu đô thị... là nội dung quan trọng, cần được xây dựng, hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhằm “thể chế hóa” Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần kiểm toán, đánh giá hiệu quả sử dụng đất công, hoặc đất do Nhà nước thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao, cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, dự án nhà ở xã hội mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong đó, cần kiểm toán việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực 1 Nguyễn Anh Tuấn:
Thiếu cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường
Theo quy định của Luật Đất đai, việc xác định giá đất đồng thời với thời điểm giao đất nhưng qua kiểm toán cho thấy, việc xác định giá đất thường bị chậm từ 2 đến 5 tháng, cá biệt có dự án sau 2-3 năm. Việc chậm định giá đất dẫn tới tiền sử dụng đất không được huy động kịp thời vào ngân sách nhà nước. Kiểm toán cũng cho thấy, ở nhiều dự án, giá đất được định giá không phù hợp - thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá hoặc giá tham khảo thị trường tại thời điểm định giá.
Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên do quy định của pháp luật về thời điểm bắt buộc phải phê duyệt giá đất chưa rõ ràng, cụ thể. Việc xác định giá đất là công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu và rộng ở nhiều lĩnh vực. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường một cách đầy đủ, chính xác, công khai, minh bạch làm cơ sở tham chiếu, so sánh trong định giá đất.
Triệu Hoa ghi