Ngành công nghiệp ô tô Mỹ chia rẽ vì lộ trình tiết kiệm nhiên liệu
Nhà sản xuất xe điện Mỹ Tesla ngày 18-10 đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden sớm ban hành các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu khắt khe hơn so với những gì các cơ quan quản lý nước này đề xuất trước đó.
Động thái mới được cho là sẽ đặt Nhà Trắng vào thế khó, trong bối cảnh Hội đồng Chính sách ô tô Mỹ (AAPC), nhóm đại diện cho gần như tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn tại Xứ Cờ hoa, trong đó có General Motors (GM), Toyota Motor, Volkswagen..., trước đó đã chỉ trích mạnh mẽ đề xuất của Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc quốc gia (NHTSA), cho rằng nội dung này hàm chứa nhiều sự bất hợp lý và yêu cầu sửa đổi.
Hồi tháng 7, NHTSA đề xuất mức điều chỉnh Khung tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu trung bình doanh nghiệp (CAFE) sau mỗi năm là 2% đối với ô tô du lịch và 4% đối với xe tải và SUV kể từ năm 2027 đến năm 2032. CAFE là chỉ số xác lập mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình tính trên tất cả xe xuất xưởng trong nhóm quy định của một nhà sản xuất.
Đề xuất của NHTSA đồng nghĩa, mức nhiên liệu trung bình trên toàn bộ xe xuất xưởng của các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ sẽ khoảng 58 dặm (93 km) mỗi gallon, tức hơn 4 lít nhiên liệu/100km vào năm 2032. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Mỹ ước tính, để đạt được mục tiêu trên, các hãng xe phải tìm cách để xe điện (EV) các loại chiếm khoảng 67% doanh số xe hạng nhẹ bán mới và 46% doanh số xe hạng trung bán mới vào năm 2032. Hiện nay, xe điện các loại mới chỉ chiếm khoảng 7% doanh số xe hạng nhẹ bán mới tại Xứ Cờ hoa.
Trong khi đó, Tesla muốn NHTSA hoàn thiện các quy tắc với mức cải thiện tiết kiệm nhiên liệu tới 6% sau mỗi năm đối với xe du lịch và 8% đối với xe tải và SUV, viện dẫn đây là lộ trình tốt nhất cho mục tiêu "bảo tồn năng lượng và giải quyết biến đổi khí hậu".
Quan điểm nêu trên khiến hãng xe điện chạy pin (BEV) hàng đầu thế giới mâu thuẫn gay gắt với các nhà sản xuất ô tô lớn, trong bối cảnh Hội đồng Chính sách ô tô Mỹ hiện kêu gọi NHTSA giảm một nửa mức cải thiện tiết kiệm nhiên liệu được đề xuất, xuống chỉ 2% mỗi năm cho xe tải.
Hội đồng Chính sách ô tô Mỹ cho rằng, việc áp đặt các chỉ số cải thiện hằng năm như đề xuất của NHTSA hay Tesla sẽ chỉ thúc đẩy việc bán xe điện một cách phi thực tế, dẫn đến căng thẳng nguồn cung các khoáng sản quan trọng vốn không được khai thác hay tinh chế ở Mỹ, đẩy người tiêu dùng vào khó khăn do cơ sở hạ tầng hỗ trợ xe điện chưa đầy đủ, kìm hãm lựa chọn và buộc người tiêu dùng phải chịu chi phí cao hơn của xe điện chạy pin.
Các hãng xe truyền thống cũng lo ngại, việc chuyển đổi sang xe điện một cách cực đoan sẽ đe dọa quyền lợi người lao động trong ngành công nghiệp ô tô và các dự án đầu tư dài hạn cho hạ tầng sản xuất.
Bản thân lộ trình tham vọng về tiết kiệm nhiên liệu cũng đang vấp phải tranh cãi ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ. "Điện khí hóa mọi thứ không phải là một giải pháp. Đó là một con đường dẫn đến giá cao hơn và ít sự lựa chọn hơn", Thượng nghị sĩ John Barrasso, thành viên đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Mỹ cho biết.
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng cảnh báo, tiền phạt từ việc không đáp ứng nổi những tiêu chuẩn hà khắc trong CAFE có thể khiến GM mất 6,5 tỷ USD, Stellantis 3,1 tỷ USD và Ford 1 tỷ USD. Liên minh đổi mới ô tô (AAI) – tổ chức gồm hầu hết nhà sản xuất ô tô lớn và công ty bán dẫn lớn tại Mỹ - hồi tháng trước đưa ra ước tính, các nhà sản xuất xe có thể phải đối mặt hơn 14 tỷ USD tiền phạt do không tuân thủ CAFE trong giai đoạn từ năm 2027 đến năm 2032.
Toyota – nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai tại Mỹ về doanh số - nhận định, các khoản tiền phạt khổng lồ như vậy chính là "bằng chứng cho thấy hiện không có đủ công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn vừa đề xuất, hay nói cách khác là các tiêu chuẩn đề ra đã vượt quá năng lực khả thi".