Nông nghiệp hữu cơ - Nhất cử lưỡng tiện
Những năm qua, các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ để phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại.
Không những thế, các mô hình nông nghiệp hữu cơ còn cho giá trị kinh tế cao và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu, năm 2008, vùng rau hữu cơ Thanh Xuân chỉ có diện tích khoảng 1,5ha, đến nay, quy mô lên đến 31ha. Toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ được kiểm soát chặt chẽ, từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói đúng quy cách, bao bì có logo, thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Mỗi ngày hợp tác xã sản xuất khoảng 5 tấn rau, củ quả các loại, phân phối cho gần 100 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, như: Rau sạch Sói Biển, Bác Tôm, Eximax... với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm rau gia vị và bí xanh của hợp tác xã đã được xuất sang các nước châu Âu, như: Pháp, Đức...
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, hợp tác xã trồng rau, củ, quả theo phương thức VietGAP và hướng hữu cơ với diện tích 5ha; 30ha chuyên sản xuất lúa hữu cơ bằng một số giống lúa chất lượng cao: J02, Đài thơm 8, QR15... Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho giá trị kinh tế cao hơn từ 10 đến 20% sản xuất truyền thống, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 2.000ha trồng trọt hữu cơ và hơn 10ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ. So với sản xuất thông thường, sản xuất theo hướng hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Điều quan trọng hơn cả, qua sản xuất hữu cơ, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Hướng đi bền vững của nền nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ và cần có thời gian dài để cải tạo chất đất, nguồn nước, không khí, quy trình chăm sóc của người dân, nên chi phí sản xuất cao. Hiện tại, những mô hình nông nghiệp hữu cơ có quy mô lớn trên địa bàn Hà Nội vẫn còn ít; hầu hết mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác hữu cơ còn những hạn chế nhất định…
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối, các ngành chức năng cần định hướng quy hoạch để phát triển các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản hữu cơ; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nhằm phát huy hiệu quả các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, để kiểm soát chất lượng, các hợp tác xã cần thành lập ban điều hành, thanh tra, giám sát sản xuất của các hội viên, kiểm tra định kỳ, đột xuất; nếu có một nhóm vi phạm, thì đình chỉ luôn nhóm đó, khi nào khắc phục được mới cho tham gia lại hệ thống sản xuất.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ chiếm khoảng 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt và tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1 đến 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ. Do đó, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.
“Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp an toàn, có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương. Tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu”, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho rằng, trước hết Hà Nội cần có quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung đối với một số sản phẩm hữu cơ mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã cũng như cán bộ nông nghiệp các cấp của thành phố.