Nhiều lĩnh vực khởi sắc trong công tác lao động, người có công và xã hội
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định như vậy trong chương trình họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023, tổ chức chiều 17-10 tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong số các lĩnh vực sớm vượt chỉ tiêu kế hoạch của cả năm, có hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kết quả khả quan về lao động - việc làm với các giải pháp hiệu quả, đơn cử như việc thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến trên toàn quốc. Đặc biệt, công tác huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm thực hiện công tác giảm nghèo, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật… được chú trọng, đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Về công tác trẻ em, riêng hoạt động huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong 8 tháng năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 48.221 lượt trẻ em với kinh phí trên 26 tỷ đồng. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 57%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu.
Trong 9 tháng của năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã tiếp nhận 238.500 cuộc gọi đến (giảm 85.953 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 950 lượt tiếp nhận qua app và Zalo (giảm 7.261 lượt so với cùng kỳ năm 2022 ), trong đó có 15.991 cuộc gọi tư vấn (giảm 7.085 cuộc so với cùng kỳ năm 2022), 845 ca can thiệp hỗ trợ (giảm 455 ca so với cùng kỳ năm 2022).
Về bảo trợ xã hội, 9 tháng năm 2023, các cơ quan bảo trợ xã hội đã thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hằng tháng. Ngân sách nhà nước chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ đạt trên 27.000 tỷ đồng/năm. Nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 400.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng, với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm.
Tính đến tháng 8-2023, có 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; hằng năm tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1 triệu người cao tuổi; có ít nhất 95% tỉnh, thành phố có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của người cao tuổi. Cả nước có 9.575/11.161 xã, phường, thị trấn thành lập được Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (chiếm gần 80%), đã huy động được tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Về việc phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, đến nay, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập) nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng cần trợ giúp xã hội. Ước thực hiện năm 2023, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; trên 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời...
Khẳng định cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Cùng với việc phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, thích ứng linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân, chú trọng phát triển y tế và giáo dục, đặc biệt quan tâm các đối tượng là người nghèo, cận nghèo và đối tượng xã hội.